Cục thuế tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 16/04 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây
Câu 1: Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở hai nơi trở lên mà tổng thu nhập trong năm không đến mức phải nộp thuế TNCN thì cá nhân này có phải quyết toán thuế TNCN không?
Trả lời:
Tiết a.3, Khoản 2, Điều 16, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính quy định về khai thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công; cá nhân có thu nhập từ kinh doanh như sau:
“Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công; cá nhân có thu nhập từ kinh doanh có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo…”
Căn cứ quy định trên, trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở hai nơi trở lên mà tổng thu nhập trong năm không đến mức phải nộp thuế TNCN thì cá nhân này không phải làm quyết toán thuế TNCN.
Câu 2: Đơn vị chúng tôi là Hợp tác xã (không phải HTX nông nghiệp) thành lập tháng 04/2014, hoạt động theo Luật HTX. Năm 2014, đơn vị tôi hạch toán kế toán theo Quyết định số 48. Năm 2015, chúng tôi muốn chuyển sang hạch toán kế toán theo Thông tư số 200 có được không? Đơn vị có phải làm thủ tục gì với cơ quan thuế không?
Trả lời:
Điều 1, Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp quy định đối tượng áp dụng như sau:
“Thông tư này hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thực hiện kế toán theo Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vận dụng quy định của Thông tư này để kế toán phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình.”
Căn cứ quy định trên, trường hợp đơn vị bạn đang áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC thì năm 2015 có thể chuyển sang áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, vận dụng cho phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của đơn vị mình, không phải thông báo với cơ quan thuế về sự thay đổi chế độ kế toán.
Câu 3: Công ty tôi ký hợp đồng giao khoán với một cá nhân có giá trị hợp đồng nhỏ hơn 100 triệu. Cá nhân này lên Chi cục Thuế xin cấp hóa đơn lẻ thì cơ quan thuế không cấp. Vậy chúng tôi phải làm thế nào để được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN?
Trả lời:
Tiết 2.4, Khoản 2, Điều 6, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
“Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hoá, dịch vụ (không có hoá đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hoá, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư này) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:
– Mua hàng hoá là nông sản, hải sản, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;
– Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;
– Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ gia đình, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;
– Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;
– Mua đồ dùng, tài sản, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
– Mua hàng hóa, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).
Bảng kê thu mua hàng hoá, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được uỷ quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê tính vào chi phí được trừ nêu trên không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hoá, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”
Căn cứ quy định trên, đơn vị bạn ký hợp đồng giao khoán với một cá nhân có giá trị nhỏ hơn 100 triệu thì cơ quan thuế không cấp hóa lẻ. Đơn vị được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ (mẫu 01/TNDN) kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán để tính vào chi phí được trừ.
Câu 4: Công ty tôi kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi là hàng hóa không chịu thuế GTGT từ ngày 01/01/2015. Vậy khi công ty tôi xuất hóa đơn GTGT cho người mua là doanh nghiệp hay cá nhân thì lập hóa đơn như thế nào?
Trả lời:
Tiết 2.1, Khoản 2, Phụ lục 4, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định:
“Tổ chức nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế bán hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng được miễn thuế GTGT thì sử dụng hóa đơn GTGT, trên hoá đơn GTGT chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ…”
Căn cứ quy định trên, đơn vị bạn kinh doanh mặt hàng không chịu thuế GTGT thì không phân biệt đối tượng mua là doanh nghiệp hay hộ gia đình, cá nhân, khi đơn vị xuất hóa đơn GTGT, trên hóa đơn chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ,
Câu 5: Người lao động của đơn vị còn ông bà nội không có người nuôi dưỡng thì có được làm thủ tục tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân được không?
Trả lời:
Khoản 1, Điều 9, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN;
Tiết c.2.1 quy định việc giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc như sau:
“Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.”
Tiết d.4.2 quy định người phụ thuộc bao gồm:
“Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.”
Căn cứ quy định trên, người lao động của đơn vị bạn nếu còn ông bà nội không có người nuôi dưỡng thì được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu có đầy đủ các hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Câu 6: Thủ tục gia hạn nộp thuế GTGT khi đơn vị chưa được thanh toán vốn đầu tư XDCB do NSNN còn nợ như thế nào?
Trả lời:
Từ 01/01/2015, Bộ Tài chính đã bãi bỏ quy định về gia hạn nộp thuế đối với trường hợp người nộp thuế chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán NSNN. Do đó, đơn vị bạn không phải làm thủ tục gia hạn từ ngày 01/01/2015 để gia hạn nộp thuế GTGT khi chưa được NSNN thanh toán vốn đầu tư XDCB. Trường hợp đã được cơ quan thuế ban hành quyết định gia hạn nộp thuế GTGT trước ngày 01/01/2015 thì đơn vị được tiếp tục gia hạn theo thời hạn ghi trên quyết định gia hạn.
Từ 31/12/2014 trở về trước, thủ tục gia hạn đối với trường hợp người nộp thuế chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán NSNN thực hiện theo quy định tại Tiết c, Khoản 3, Điều 31, Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
Câu 7: Công ty tôi có 1 công trình vốn BOT, thời gian hoàn thành công trình theo hợp đồng là 27/3/2015 nhưng đơn vị chưa làm nghiệm thu, quyết toán. Vậy công ty tôi có phải lập hóa đơn GTGT theo tiến độ hoàn thành là ngày 27/3/2015 hay khi quyết toán nghiệm thu, bàn giao mới lập hóa đơn GTGT?
Trả lời:
Khoản 5, Điều 8, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định thời điểm xác định thuế GTGT như sau:
“Đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu, là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.”
Căn cứ quy định trên, khi đơn vị bạn nghiệm thu, bàn giao công trình thì mới phải lập hóa đơn GTGT và kê khai, nộp thuế.
Câu 8: Tỷ giá đánh giá lại cuối năm tài chính đối với các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ như tiền gửi ngân hàng, phải thu khách hàng, phải trả người bán… được xác định như thế nào?
Trả lời:
Tiết 1.3.b, Khoản 1, Điều 69, Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính quy định tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập Báo cáo tài chính để hạch toán vào TK 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái như sau:
“Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập Báo cáo tài chính: Là tỷ giá công bố của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch (do doanh nghiệp tự lựa chọn) theo nguyên tắc:
– Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là tài sản: Là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Đối với các khoản ngoại tệ gửi ngân hàng thì tỷ giá thực tế khi đánh giá lại là tỷ giá mua của chính ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản ngoại tệ.
– Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là nợ phải trả: Là tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại tại thời điểm lập Báo cáo tài chính;
– Các đơn vị trong tập đoàn được áp dụng chung một tỷ giá do Công ty mẹ quy định (phải đảm bảo sát với tỷ giá giao dịch thực tế) để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phát sinh từ các giao dịch nội bộ.”
Căn cứ quy định trên và nội dung câu hỏi của bạn, tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính xác định như sau:
– Đối với tiền gửi ngân hàng, phải thu khách hàng: Là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Đối với các khoản ngoại tệ gửi ngân hàng thì tỷ giá thực tế khi đánh giá lại là tỷ giá mua của chính ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản ngoại tệ.
– Đối với khoản nợ phải trả: Là tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại tại thời điểm lập Báo cáo tài chính.
Câu 9: Tháng 01/2014, công ty tôi bổ sung nguồn vốn kinh doanh từ mức 10 tỷ lên 15 tỷ. Phần chi phí lãi tiền vay để bổ sung vốn điều lệ có được tính vào chi phí hợp lý không?
Trả lời:
Tiết 2.18, Khoản 2, Điều 6, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:
“Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh. Chi trả lãi tiền vay đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư.”
Căn cứ quy định trên, phần chi phí lãi tiền vay để bổ sung vốn điều lệ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Phần chi trả lãi tiền vay đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư.
Câu 10: Khoản chi cho con của người lao động các ngày 1/6, Tết trung thu (lập danh sách tên bố mẹ lĩnh tiền) có phải tính vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN của người lao động không?
Trả lời:
Tiết đ.3.2, Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định các khoản thu nhập chịu thuế bao gồm Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:
“Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ… nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.”
Căn cứ quy định trên, trường hợp đơn vị có các khoản chi cho con của người lao động mà nội dung chi trả ghi rõ tên người lao động được hưởng thì phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Câu 11: Người lao động ký hợp đồng và làm việc dài hạn tại công ty tôi, ngoài ra còn có thu nhập vãng lai tại nơi khác (đã được đơn vị trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ 10%). Vậy cá nhân này có được ủy quyền quyết toán TNCN tại công ty tôi không?
Trả lời:
Khoản 2, Điều 26, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định về khai thuế, quyết toán thuế;
Tiết d quy định:
“Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay trong các trường hợp sau:
d.1) Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên tại một đơn vị và thực tế đang làm việc ở đơn vị tại thời điểm uỷ quyền quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm.
d.2) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên và có thêm thu nhập khác theo hướng dẫn tại tiết c.4 và c.5, điểm c, khoản 2, Điều này.”
Tiết đ quy định:
“Tổ chức, cá nhân trả thu nhập chỉ thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công mà cá nhân nhận được từ tổ chức, cá nhân trả thu nhập.”
Căn cứ quy định trên, người lao động ký lao động và làm việc dài hạn tại đơn vị bạn, ngoài ra cá nhân còn có thu nhập vãng lai tại nơi khác nếu không có yêu cầu quyết toán với phần thu nhập này thì có thể ủy quyền cho đơn vị bạn quyết toán thuế thay. Đơn vị bạn chỉ quyết toán thuế thay cho cá nhân đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công mà cá nhân nhận được do đơn vị bạn chi trả.
Câu 12: Người lao động của công ty đã nghỉ hưu từ tháng 02/2013. Đến tháng 01/2014, công ty có trả tiền thưởng tết âm lịch 2014 cho cá nhân đó. Vậy cá nhân này có được ủy quyền quyết toán thuế TNCN thay cho họ không?
Trả lời:
Tiết i, Khoản 1, Điều 25, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định về khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác như sau:
“Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân…”
Căn cứ quy định trên, người lao động của công ty bạn đã nghỉ hưu từ tháng 02/2013. Lúc này, cá nhân đó không còn là người lao động của đơn vị bạn nữa. Đến tháng 01/2014, đơn vị bạn có chi trả tiền thưởng tết cho cá nhân đó thì đơn vị bạn phải khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trước khi chi trả nếu mức trả từ 2 triệu đồng/lần chi trả. Cá nhân này không được ủy quyền cho đơn vị bạn quyết toán thuế TNCN cho họ.
Câu 13: Một cá nhân là người lao động của công ty có cho công ty tôi vay tiền, hàng quý công ty tôi thực hiện trả lãi vay cho cá nhân đó. Vậy đơn vị tôi có cần cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN đối với khoản lãi vay của cá nhân trước khi chi trả không (cá nhân đã ủy quyền cho công ty tôi quyết toán thay)?
Trả lời:
Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN;
Tiết a, Khoản 3, Điều 2 quy định các khoản thu nhập chịu thuế TNCN từ đầu tư vốn bao gồm:
“Tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh vay theo hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay, trừ lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng dẫn tại tiết g.1, điểm g, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.”
Tiết d, Khoản 1, Điều 25 quy định về khấu trừ thuế như sau:
“Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ đầu tư vốn theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 2 Thông tư này có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập cho cá nhân trừ trường hợp cá nhân tự khai thuế theo hướng dẫn tại khoản 9, Điều 26 Thông tư này. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư này.”
Tiết a, Khoản 2, Điều 25 quy định về chứng từ khấu trừ như sau:
“Tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập đã khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều này phải cấp chứng từ khấu trừ thuế theo yêu cầu của cá nhân bị khấu trừ. Trường hợp cá nhân ủy quyền quyết toán thuế thì không cấp chứng từ khấu trừ.”
Căn cứ quy định trên, người lao động của công ty cho đơn vị bạn vay tiền, đơn vị bạn đã khấu trừ thuế TNCN đối với khoản lãi tiền vay trước khi chi trả cho cá nhân này nhưng cá nhân đó đã ủy quyền cho đơn vị bạn quyết toán thuế TNCN thay cho họ thì không cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN.
Câu 14: Trong năm 2014, công ty tôi có trả lương cho người lao động gồm: lương tháng 12/2013 trả vào tháng 01/2014 và trả lương tháng 01/2014 đến tháng 12/2014 trong năm 2014. Vậy khi quyết toán thuế TNCN năm 2014, tiền lương tính vào TNCT của người lao động có tính cả 13 tháng không? Các khoản giảm trừ gia cảnh tính trên 12 tháng hay 13 tháng?
Trả lời:
Tiết b, Khoản 2, Điều 8, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công như sau:
“Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế…”
Căn cứ quy định trên, trường hợp năm 2014, đơn vị bạn trả lượng cho người lao động gồm: lương tháng 12/2013 trả vào tháng 01/2014 và trả lương tháng 01/2014 đến tháng 12/2014 thì thu nhập chịu thuế TNCN năm 2014 của người lao động là tiền lương tháng 12/2013 và tiền lương 12 tháng năm 2014.
Tiết c.1.3, Khoản 1, Điều 9, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế như sau:
“Trường hợp trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định.”
Căn cứ quy định trên, người lao động của đơn vị bạn trong năm chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi quyết toán thuế TNCN.
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass