Phân biệt vốn góp đầu tư và vốn điều lệ

4830

 

Câu hỏi: Phân biệt vốn góp đầu tư và vốn điều lệ

Năm 2021, doanh nghiệp có đăng ký tăng vốn đầu tư (cụ thể là vốn góp 1 triệu USD) đã điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư (IRC) và có tham khảo ý kiến của sở kế hoạch đầu tư (DPI) nên không thực hiện điều chỉnh tăng vốn điều lệ và không điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC).

Tuy nhiên phía ngân hàng Doanh nghiệp đang mở tài khoản vốn thì không đồng ý với việc  thay đổi vốn góp trên IRC mà không thay đổi vốn điều lệ trong ERC. Chúng tôi có làm công văn hỏi DPI thì họ chỉ trả lời chung chung là “vốn đầu tư không bắt buộc bằng vốn điều lệ” và từ chối giải thích rõ thêm khác biệt giữa vốn góp và vốn điều lệ.

Trả lời:

Rủi ro về thuế có thể phát sinh do quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan đến vốn bao gồm:

1. Không được trừ cho chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu (Điểm 2.18, Khoản 2, Điều 4, TT96/2015/TT-BTC);

2. Chi phí lãi vay không được trừ do chưa thực hiện thủ tục đăng ký vốn vay trung, dài hạn nước ngoài;

3. Không được hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư khi chưa góp đủ vốn điều lệ (Khoản 3, Điều 1, TT130/2016/TT-BTC);

4. Rủi ro liên quan đến xác định ưu đãi đối với dự án đầu tư mở rộng (nếu có).

Hệ quả của các rủi ro này có thể là làm tăng nghĩa vụ thuế, giảm số thuế được hoàn hoặc việc phải mất công giải trình với các bên, bao gồm cả cơ quan Nhà nước (như cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, ngân hàng Nhà nước) và các bên đối tác (kiểm toán độc lập, ngân hàng thương mại).

Trong đó, ảnh hưởng về chi phí không được trừ hoặc không được hoàn thuế GTGT do chưa góp đủ vốn điều lệ xem xét trong trường hợp của doanh nghiệp bạn không cao, nhưng doanh nghiệp có thể sẽ mất công giải trình với cơ quan thuế. Bởi vì căn cứ theo quy định tại Điểm 2.18, Khỏan 2, Điều 4, TT96/2015/TT-BTC và Khoản 3, Điều 1, TT130/2016/TT-BTC, rủi ro chỉ về chi phí không được trừ hoặc không được hoàn thuế phát sinh khi chưa góp đủ vốn điều lệ.

Theo quy định tại Khoản 34, Điều 4, Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14: Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.”

Theo quy định tại Điều 28, Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật đầu tư số 61/2020/QH14 (quy định cũ là Khoản 15, Điều 2, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP) thì vốn đăng ký đầu tư (tổng vốn đầu tư trên IRC) bao gồm Vốn góp của nhà đầu tư, Vốn huy động (vốn vay) hoặc lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư:

Vốn góp của nhà đầubằng tiền, máy móc, thiết bị, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản khác theo pháp luật về dân sự, điều ước quốc tế về đầu tư. Phần vốn góp này được ghi tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký dự án đầu tư (IRC).”

Như vậy, “Vốn góp của nhà đầu tư” và “Vốn điều lệ của doanh nghiệp” là 2 khái niệm khác nhau, được quy định bởi 2 văn bản pháp luật độc lập nhau. Một dự án đầu tư có thể không gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế, hoặc một tổ chức kinh tế có thể đồng thời thực hiện nhiều dự án đầu tư khác nhau. Do đó, Vốn góp của nhà đầu tư không bắt buộc phải bằng với Vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Bộ kế hoạch và đầu tư đã từng có câu trả lời liên quan đến việc so sánh 2 loại vốn này trên cổng thông tin Chính phủ. Mặc dù câu trả lời căn cứ theo luật cũ nhưng điểm này vẫn được kế thừa tại luật hiện hành nên câu trả lời vẫn có thể tham khảo: https://chinhsachonline.chinhphu.vn/co-phai-tang-von-dieu-le-khi-gop-von-thuc-hien-du-an-23216.htm

Như vậy, với kết luận “Vốn góp của nhà đầu tư không nhất thiết phải bằng Vốn điều lệ của doanh nghiệp”, đồng thời nếu doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ theo cam kết thì sẽ không còn rủi ro liên quan đến nghĩa vụ thuế, và hoàn thuế. Tuy nhiên doanh nghiệp có thể không tránh được việc phải giải thích với các bên khác, ví dụ như với bên ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản vốn như trong câu hỏi của bạn.

Ngoài ra, cần lưu ý thêm về mức chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và vốn góp của nhà đầu tư ghi trên IRC chính là hạn mức để doanh nghiệp đi vay trung và dài hạn (bao gồm cả dư nợ vay trung, dài hạn trong nước) nước ngoài và thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay trung, dài hạn nước ngoài với ngân hàng Nhà nước.

Việc Vốn góp củ nhà đầu tư cao hơn vốn điều lệ và nếu ngân hàng nơi mở tài khoán vốn không đồng ý nhận khoản vốn góp đầu tư cao hơn vào tài khoản vốn thì có thể dễ dẫn đến phát sinh sai sót kế toán khi hạch toán hoặc khi xác định hạn mức cũng như khó khăn khi đăng ký khoản vay trung, dài hạn nước ngoài. Trong khi nếu doanh nghiệp không đảm bảo được thủ tục đăng ký khoản vay theo quy định thì chi phí lãi vay tương ứng sẽ không được tính vào chi phí được trừ.

Đối với rủi ro liên quan đến xác định ưu đãi thuế cho dự án đầu tư mở rộng, cần được xem xét dựa trên thông tin cụ thể của dự án và việc tăng vốn góp của nhà đầu tư. Bạn có thể liên lạc với tổ tư vấn để trao đổi tình huống cụ thể hơn.

Góp vốn thiếu do bị trừ phí ngân hàng

 

Tỷ giá ghi nhận vốn góp

 

Biên soạn: Nguyễn Thị Loan –  Giám đốc tư vấn

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Để biết thêm thông tin cụ thể, xin vui lòng liên hệ với các chuyên viên tư vấn.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapass.com/

Website: https://gonnapass.com

Hotline: 0888 942 040

avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page