Phân tích khái quát tình hình tài chính doanh nghiệp
1. Mục đích phân tích khái quát tình hình tài chính doanh nghiệp
Phân tích khái quát tình hình tài chính doanh nghiệp nhằm đưa ra những nhận định sơ bộ ban đầu về tình hình tài chính doanh nghiệp thông qua đánh giá khái quát quy mô tài chính, đánh giá khả năng tự tài trợ; tình hình đầu tư; khả năng thanh toán; hiệu suất và hiệu quả sử dụng vốn của DN, từ đó đánh giá thực trạng và sức mạnh tài chính của doanh nghiệp, biết được mức độ độc lập về mặt tài chính cũng như những khó khăn về tài chính mà doanh nghiệp đang phải đương đầu. Qua đó, giúp các chủ thể quản lý có thể đề ra các quyết định phù hợp với mục tiêu quan tâm của mình.
Việc đánh giá khái quát tình hình tài chính sẽ giúp cho các chủ thể quản lý có những nhìn nhận chung nhất về quy mô tài chính cũng như các chính sách tài chính và năng lực tài chính của doanh nghiệp qua đó có thể đưa ra các quyết định hiệu quả, kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp từ đó đưa ra những định hướng cho DN trong tương lại nhằm nâng cao năng lực tài chính và tăng năng lực cạnh cạnh của doanh nghiệp.
2. Hệ thống chỉ tiêu phân tích khái quát tình hình tài chính doanh nghiệp
Hệ thống chỉ tiêu phân tích hoạt động tài chính của doanh nghiệp phải phản ánh được quy mô tài chính, cấu trúc tài chính, chính sách huy động vốn, chính sách đầu tư, hiệu suất và hiệu quả sử dụng vốn. Do vậy để phân tích khái quát tình hình tài chính của doanh nghiệp, người ta thường sử dụng các chỉ tiêu sau:
(1) Tổng nguồn vốn: Tổng nguồn vốn phản ánh khả năng tổ chức, huy động vốn của doanh nghiệp. Tổng nguồn vốn tăng hay giảm giữa kỳ phân tích với kỳ gốc thể hiện quy mô nguồn vốn huy động giữa kỳ phân tích đã tăng (giảm) so với kỳ gốc. Nguồn vốn của doanh nghiệp phản ánh nguồn gốc, xuất xứ hình thành tổng tài sản doanh nghiệp hiện đang quản lý và sử dụng vào hoạt động kinh doanh. Chỉ tiêu “Tổng nguồn vốn” được phản ánh trên Bảng cân đối kế toán, phần “Nguồn vốn” Mã số 440.
(2) Tổng doanh thu và thu nhập (DT)
DT = Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ (MS10)+ Doanh thu tài chính (MS21) + Thu nhập khác (MS31).
Tổng doanh thu và thu nhập phản ánh quy mô giá trị sản phẩm, lao vụ, dịch vụ và các giao dịch khác mà doanh nghiệp đã thực hiện đáp ứng các nhu cầu khác nhau của thị trường, cung cấp cơ sở phản ánh phạm vi hoạt động, tính chất ngành nghề kinh doanh, cơ sở để xác định tốc độ luân chuyển vốn kinh doanh và trình độ quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thông thường, khi doanh nghiệp không có hoạt động tài chính và các hoạt động khác thì theo thông lệ chỉ tiêu này chính là doanh thu (Revenue) của doanh nghiệp
(3) Lợi nhuận sau thuế (LNST)
Lợi nhuận sau thuế = DT – Tổng chi phí
LNST= EBIT – I – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (Income tax expense – T)
Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cho biết quy mô lợi nhuận dành cho các chủ sở hữu của doanh nghiệp qua mỗi thời kỳ nhất định. Chỉ tiêu này cung cấp cơ sở cho việc đánh giá các chính sách kế toán của doanh nghiệp, trình độ quản trị chi phí hoạt động, năng lực sinh lời hoạt động của doanh nghiệp và nguồn gốc tăng trưởng bền vững về tài chính của doanh nghiệp
(4) Dòng tiền thu vào trong kỳ (Tv):
Tv = TvKD + TvDT + TvTC
Tổng dòng tiền thu vào của doanh nghiệp trong mỗi thời kỳ được xác định thông qua sự tổng hợp dòng tiền thu vào từ tất cả các hoạt động tạo tiền của doanh nghiệp trong kỳ. Tổng dòng tiền thu vào bao gồm: dòng tiền thu vào từ hoạt động kinh doanh, dòng tiền thu vào từ hoạt động đầu tư và dòng tiền thu vào từ hoạt động tài chính. Chỉ tiêu này cho biết quy mô dòng tiền của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có quy mô dòng tiền càng lớn trong khi có các yếu tố khác tương đồng với các đối thủ cùng ngành thì năng lực hoạt động tài chính càng cao. Tuy nhiên, để đảm bảo không ngừng tăng quy mô dòng tiền thì cần đánh giá chỉ tiêu dòng tiền lưu chuyển thuần.
(5) Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ (LCtt);
Lưu chuyển tiền thuần phản ánh lượng tiền gia tăng trong kỳ từ các hoạt động tạo tiền. Một doanh nghiệp có thể có dòng tiền thu về rất lớn nhưng khả năng tạo tiền vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu chi ra bằng tiền nên dòng tiền lưu chuyển thuần âm, khi dòng tiền lưu chuyển thuần âm liên tục là dấu hiệu suy thoái về năng lực tài chính rõ rệt nhất của những doanh nghiệp đang hoạt động bình thường. Ngược lại, khi dòng tiền thuần dương quá lớn và liên tục tức là khả năng tạo tiền trong mỗi kỳ đều dư thừa so với nhu cầu chi trả làm tăng tiền dự trữ cuối kỳ cũng là dấu hiệu cho thấy ứ đọng tiền mặt. Cần đánh giá dòng tiền thuần gia tăng từ hoạt động nào, có mục tiêu tạo tiền rõ hay không để có những đánh giá cụ thể. Xác định chỉ tiêu này dựa trên việc tổng hợp dòng tiền thuần từ 3 loại hoạt động theo công thức;
LCtt = LCttkd + LCttđt + LCtttc
Khi doanh nghiệp duy trì và gia tăng được dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh tức là cơ hội tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp khá rõ rệt; nếu lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương tức là doanh nghiệp thu hồi các khoản đầu tư, thanh lý, nhượng bán các tài sản cố định lớn hơn lượng đầu tư, mua sắm mới, đó là dấu hiệu thu hẹp quy mô tài sản; nếu dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương và tăng tức là huy động nguồn vốn tăng thêm nhiều hơn hoàn trả nguồn vốn trong kỳ sẽ làm tăng thêm sự chia sẻ, “pha loãng” quyền lực của các chủ sở hữu, lệ thuộc thêm về tài chính vào các chủ thể cấp vốn. Vì vậy, cần xác định rõ nguyên nhân và tính chất hợp lý, hiệu quả của sự gia tăng dòng tiền thuần từ hai hoạt động này.
(6) Hệ số tự tài trợ: Hệ số tự tài trợ là chỉ tiêu phản ánh khả năng tự bảo đảm về mặt tài chính và mức độ độc lập về mặt tài chính của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này cho biết khả năng tự tài trợ cho tài sản của doanh nghiệp bằng vốn chủ sở hữu . Trị số của chỉ tiêu càng lớn, chứng tỏ khả năng tự bảo đảm về mặt tài chính càng cao, mức độ độc lập về mặt tài chính của doanh nghiệp càng tăng và ngược lại, khi trị số của chỉ tiêu càng nhỏ, khả năng tự bảo đảm về mặt tài chính của doanh nghiệp càng thấp, mức độ độc lập về tài chính của doanh nghiệp càng giảm. Hệ số tài trợ được xác định theo công thức:
“Vốn chủ sở hữu” được phản ánh ở chỉ tiêu B “Vốn chủ sở hữu” (Mã số 400), còn “Tổng tài sản” được phản ánh ở chỉ tiêu “Tổng cộng tài sản” (Mã số 270) trên Bảng cân đối kế toán.
(7) Hệ số tự tài trợ tài sản dài hạn: Hệ số tự tài trợ tài sản dài hạn (hay hệ số vốn chủ sở hữu trên tài sản dài hạn) là chỉ tiêu phản ánh khả năng trang trải tài sản dài hạn bằng vốn chủ sở hữu. Nếu trị số của chỉ tiêu này càng lớn hơn 1, số vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp càng có thừa khả năng để trang trải tài sản dài hạn và do vậy, doanh nghiệp sẽ ít gặp khó khăn trong thanh toán các khoản nợ dài hạn đến hạn. Do đặc điểm của tài sản dài hạn là thời gian luân chuyển dài (thường là ngoài một năm hay ngoài một chu kỳ kinh doanh) nên nếu vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp không đủ tài trợ tài sản dài hạn của mình mà phải sử dụng các nguồn vốn khác (kể cả vốn chiếm dụng dài hạn) thì khi các khoản nợ đáo hạn, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong thanh toán và ngược lại, nếu vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp có đủ và bảo đảm thừa khả năng tài trợ tài sản dài hạn của doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ ít gặp khó khăn khi thanh toán nợ đáo hạn. Điều này tuy giúp doanh nghiệp tự bảo đảm về mặt tài chính nhưng hiệu quả kinh doanh sẽ không cao do vốn đầu tư chủ yếu vào tài sản dài hạn, ít sử dụng vào kinh doanh quay vòng để sinh lợi.
“Tài sản dài hạn” được phản ánh ở chỉ tiêu B “Tài sản dài hạn” (Mã số 200) trên Bảng cân đối kế toán. Cần lưu ý rằng, chỉ tiêu “Hệ số tự tài trợ tài sản dài hạn” còn có thể tính riêng cho từng bộ phận tài sản dài hạn (nợ phải thu dài hạn, tài sản cố định đã và đang đầu tư, bất động sản đầu tư, đầu tư tài chính dài hạn), đặc biệt là bộ phận tài sản cố định đã và đang đầu tư; bởi vì, tài sản cố định (đã và đang đầu tư) là bộ phận tài sản dài hạn phản ánh toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật của doanh nghiệp. Khác với các bộ phận tài sản dài hạn hạn, doanh nghiệp không thể dễ dàng và không thể đem bán, thanh lý bộ phận tài sản cố định được vì đây chính là điều kiện cần thiết và là phương tiện phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. “Hệ số tự tài trợ tài sản cố định” được tính theo công thức sau:
Tài sản cố định đã và đang đầu tư được phản ánh ở chỉ tiêu “Tài sản cố định” (Mã số 220), bất động sản đầu tư (Mã 230) và chỉ tiêu “Chi phí xây dựng cơ bản dở dang” (Mã số 242) trên Bảng cân đối kế toán
(8) Hệ số đầu tư dài hạn: Hệ số đầu tư dài hạn là chỉ tiêu phản ánh mức độ đầu tư vào tài sản dài hạn trong tổng số tài sản, nó phản ánh cấu trúc tài sản của doanh nghiệp (phản ánh chính sách đầu tư của DN). Trị số này phụ thuộc rất lớn vào ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Tài sản dài hạn là mục B mã 200, Các khoản phải thu dài hạn là mục I thuộc mục B mã 210 trên bảng cân đối kế toán
(9) Hệ số khả năng thanh toán tổng quát: “Hệ số khả năng thanh toán tổng quát” là chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán chung của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này cho biết doanh nghiệp có khả năng thanh toán được bao nhiêu lần nợ phải trả bằng tổng tài sản. Nếu trị số chỉ tiêu “Hệ số khả năng thanh toán tổng quát” của doanh nghiệp luôn > 1, doanh nghiệp bảo đảm được khả năng thanh toán tổng quát và ngược lại; trị số này < 1, doanh nghiệp không bảo đảm được khả năng trang trải các khoản nợ. Trị số của “Hệ số khả năng thanh toán tổng quát” càng gần 1, doanh nghiệp càng mất dần khả năng thanh toán.
“Tổng số tài sản” được phản ánh ở chỉ tiêu “Tổng cộng tài sản” (Mã số 270) và “Nợ phải trả” phản ánh ở chỉ tiêu “Nợ phải trả” (Mã số 300) trên Bảng cân đối kế toán. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ tiêu “Tổng số tài sản” được phản ánh ở chỉ tiêu “Tổng cộng tài sản” (Mã số 250) và “Nợ phải trả” được phản ánh ở chỉ tiêu “Nợ phải trả” (Mã số 300) trên Bảng cân đối kế toán.
(10) Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn: “Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn” là chỉ tiêu cho thấy khả năng đáp ứng các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp là cao hay thấp. Chỉ tiêu này cho biết doanh nghiệp có khả năng thanh toán được bao nhiêu lần nợ ngắn hạn bằng tài sản ngắn hạn. Nợ ngắn hạn là những khoản nợ mà doanh nghiệp phải thanh toán trong vòng một năm hay một chu kỳ kinh doanh. Nếu trị số của chỉ tiêu này xấp xỉ bằng 1, doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và tình hình tài chính là bình thường hoặc khả quan. Ngược lại, nếu “Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn” < 1, doanh nghiệp không bảo đảm đáp ứng được các khoản nợ ngắn hạn. Trị số của chỉ tiêu này càng nhỏ hơn 1, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp càng thấp.
Tài sản ngắn hạn được phản ánh ở chỉ tiêu “Tài sản ngắn hạn” Mục A (Mã số 100) và ” nợ ngắn hạn” được phản ánh ở chỉ tiêu I “Nợ ngắn hạn” (Mã số 310) trên Bảng cân đối kế toán.
(11) Hệ số khả năng chi trả nợ ngắn hạn (Hệ số khả năng chi trả bằng tiền): Do các chỉ tiêu như: “Hệ số khả năng thanh toán tổng quát ” và “Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn” mang tính thời điểm (đầu kỳ, cuối kỳ) vì cơ sở tính toán dựa trên số liệu của Bảng cân đối kế toán nên trong nhiều trường hợp, các chỉ tiêu này phản ánh không đúng tình hình thực tế. Điều này rất dễ xẩy ra vì 2 nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, do các nhà quản lý muốn ngụy tạo tình hình, tạo ra một bức tranh tài chính khả quan cho doanh nghiệp tại ngày báo cáo. Chẳng hạn, muốn nâng cao trị số của các chỉ tiêu trên, các nhà quản lý tìm cách ngụy tạo sao cho các khoản tiền và tương đương tiền tăng lên, trị giá hàng tồn kho giảm xuống. Công việc này thực sự không hề khó khăn với các nhà quản lý và kế toán; chẳng hạn, những ngày cuối kỳ (cuối quí, cuối năm), mặc dầu hàng đã về, đã nhập kho nhưng kế toán tạm để ngoài sổ sách hoặc các khoản nợ chưa thu nhưng kế toán lại ghi nhận như đã thu, nếu bị phát hiện thì coi như ghi nhầm. Tương tự, kế toán có thể ghi các bút toán bù trừ giữa nợ phải thu dài hạn với nợ phải trả dài hạn…
Thứ hai, do tính thời vụ của hoạt động kinh doanh mà tại thời điểm báo cáo, lượng hàng tồn kho rất lớn, lượng tiền và tương đương tiền rất nhỏ. Tình hình này thường xẩy ra với các doanh nghiệp kinh doanh mang tính thời vụ. Tại những doanh nghiệp này, có những thời điểm mà buộc phải dự trữ hàng tồn kho lớn (dự trữ hàng hóa phục vụ các dịp lễ, tết, khai trường, khai hội; thu mua nông sản, lâm sản, hải sản, thổ sản… theo mùa…).
Để khắc phục tình hình trên, khi đánh giá khái quát tình hình tài chính, cần kết hợp với chỉ tiêu “Hệ số khả năng chi trả nợ ngắn hạn”. Hệ số này sẽ khắc phục được nhược điểm của 2 chỉ tiêu trên vì nó được xác định cho cả kỳ kinh doanh và không phụ thuộc vào yếu tố thời vụ.
Chỉ tiêu này cho biết, với dòng tiền thuần tạo ra từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ thì doanh nghiệp có đủ khả năng bảo đảm được khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn bình quân của kỳ đó hay không. Số liệu tử số của công thức trên được lấy từ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Mã số 20), mẫu số phải lấy số bình quân trên bảng cân đối kế toán để đảm bảo sự phù hợp của thông tin đánh giá theo thời kỳ
(12) Hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh
Hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh nhằm đánh giá một cách khái quát công tác quản lý, sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp có hợp lý, tình hình quản lý, sử dụng vốn có phù hợp với đặc thù của ngành nghề kinh doanh hay không, doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng vốn kinh doanh tốt hay không tốt, trọng điểm cần xem xét, quản lý nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh của DN trong kỳ.
Chỉ tiêu này cho biết bình quân một đồng vốn kinh doanh tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh thì DN thu được bao nhiêu đồng doanh thu và thu nhập.
(13) Hệ số sinh lời ròng của tài sản (Return on assets – ROA):
Hệ số sinh lời ròng của tài sản phản ánh hiệu qủa sử dụng tài sản ở doanh nghiệp, thể hiện trình độ quản lý và sử dụng tài sản. Chỉ tiêu này cho biết bình quân một đơn vị tài sản sử dụng trong quá trình kinh doanh tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Trị số của chỉ tiêu càng cao, hiệu quả sử dụng tài sản càng lớn và ngược lại.
Lợi nhuận sau thuế phản ánh ở chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế ” trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh với mã số 60; còn “Tổng tài sản bình quân” được tính như sau:
Tổng tài sản bình quân= (Tổng tài sản đầu năm + Tổng tài sản cuối năm)/2
Trong đó, Tổng tài sản đầu năm và cuối năm lấy số liệu trên Bảng cân đối kế toán (cột “Số đầu năm” và cột “Số cuối năm”). Mẫu số của ROA là “Tổng tài sản bình quân” vì tử số là kết quả của một năm kinh doanh nên mẫu số không thể lấy trị số của tài sản tại một thời điểm được mà phải sử dụng trị giá bình quân của năm.
(14) Hệ số sinh lời của vốn chủ sở hữu (Return on equity – ROE):
“Hê số sinh lời của Vốn chủ sở hữu” là chỉ tiêu phản ánh khái quát nhất hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.Chỉ tiêu này cho biết bình quân một đồng vốn chủ sở hữu tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Trị số của ROE càng cao, hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu càng cao và ngược lại.
Lợi nhuận sau thuế phản ánh ở chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp” trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh với mã số 60; còn chỉ tiêu “Vốn chủ sở hữu bình quân” được tính như sau:
Vốn chủ sở hữu bình quân = ( Vốn chủ sở hữu đầu kỳ + Vốn chủ sở hữu cuối kỳ)/2
Trong đó, vốn chủ sở hữu đầu năm và cuối năm lấy ở chỉ tiêu C “Vốn chủ sở hữu” (Mã số 400) trên Bảng cân đối kế toán (cột “Số đầu năm” và cột “Số cuối năm”). Mẫu số của ROE là “Vốn chủ sở hữu bình quân” vì tử số là kết quả của một năm kinh doanh nên mẫu số không thể lấy trị số của vốn chủ sở hữu tại một thời điểm được mà phải sử dụng trị giá bình quân của năm. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế” được phản ánh ở chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế” trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
3. Phương pháp phân tích khái quát tình hình tài chính
Phương pháp được sử dụng để phân tích khái quát tình hình tài chính của doanh nghiệp là phương pháp so sánh. Bằng cách so sánh giữa kỳ phân tích với các kỳ gốc khác nhau cả về số tuyệt đối và số tương đối trên từng chỉ tiêu phản ánh khái quát tình hình tài chính, các nhà phân tích sẽ căn cứ vào sự biến động cũng như ý nghĩa của từng chỉ tiêu để nêu lên nhận xét.
Để đánh giá khái quát tình hình tài chính của doanh nghiệp được chính xác, khắc phục được nhược điểm của từng chỉ tiêu đơn lẻ (nếu có), các nhà phân tích cần xem xét đồng thời sự biến động của các chỉ tiêu và liên kết sự biến động của chúng với nhau. Từ đó, rút ra nhận xét khái quát về thực trạng và sức mạnh tài chính cũng như an ninh tài chính của doanh nghiệp.
Đối với việc đánh giá tình hình huy động vốn của doanh nghiệp, các nhà phân tích tiến hành so sánh sự biến động của tổng số nguồn vốn. Qua việc so sánh sự biến động của tổng số nguồn vốn theo thời gian, các nhà phân tích sẽ đánh giá được tình hình tạo lập và huy động vốn về qui mô; Trên cơ sở đó có đánh giá khái quát về quy mô tài sản mà doanh nghiệp đang quản lý và sử dụng.
Để đánh giá quy mô tài chính của doanh nghiệp nhà phân tích cần xem xét sự biến động của tổng nguồn vốn (thể hiện biến động về quy mô nguồn vốn huy động), sự biến động của tổng doanh thu và thu nhập (thể hiện biến động về quy mô thu nhập) và sự biến động của dòng tiền thu vào (thể hiện biến động quy mô dòng tiền) và sự biến động của lưu chuyển tiền thuần trong kỳ (thể hiện biến động lượng tiền thuần gia tăng hay sụt giảm) trong kỳ của doanh nghiệp từ đó cung cấp thông tin cho các chủ thể quản lý về quy mô huy động vốn và kết quả sử dụng vốn kinh doanh, phạm vi hoạt động kinh doanh và tầm ảnh hưởng về tài chính của doanh nghiệp với các bên có liên quan ở mỗi thời kỳ nhất định.
Để đánh giá mức độ độc lập về mặt tài chính của doanh nghiệp, trước hết các nhà phân tích cần tính ra trị số của các chỉ tiêu “Hệ số tự tài trợ” và “Hệ số tự tài trợ tài sản dài hạn” ở kỳ phân tích và kỳ gốc. Từ đó, tiến hành so sánh sự biến động của các chỉ tiêu trên theo thời gian cũng như so với trị số bình quân ngành, bình quân khu vực. Khi so sánh chỉ tiêu “Hệ số tự tài trợ” và “Hệ số tự tài trợ tài sản dài hạn” theo thời gian, các nhà phân tích sẽ có nhận định chính xác về xu hướng biến động của mức độ độc lập tài chính; còn khi so sánh với số bình quân của ngành, bình quân khu vực, các nhà phân tích sẽ xác định chính xác vị trí hay mức độ độc lập tài chính của doanh nghiệp hiện tại là ở mức nào (cao, trung bình, thấp). Trên cơ sở đó sẽ có các quyết sách tài chính phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của doanh nghiệp.
Việc đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp cũng được thực hiện tương tự; nghĩa là tính ra trị số của các chỉ tiêu “Hệ số khả năng thanh toán tổng quát”, “Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn” và “Hệ số khả năng chi trả nợ ngắn hạn” và dựa vào trị số cũng như ý nghĩa của từng chỉ tiêu để đánh giá. Bên cạnh đó, để biết được xu hướng biến động của khả năng thanh toán, cần so sánh trị số của các chỉ tiêu trên theo thời gian.
Đánh giá hiệu suất sử dụng vốn được thực hiện thông qua chỉ tiêu hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh. Thông qua chỉ tiêu này giúp cho chủ thể quản lý có cái nhìn tổng quan về hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp
Đánh giá khái quát khả năng sinh lợi của doanh nghiệp thông qua chỉ tiêu “Hệ số sinh lời ròng của tài sản: và “Hệ số sinh lời của vốn chủ sở hữu , đồng thời dựa vào trị số của chỉ tiêu để đánh giá. Bên cạnh đó, để biết được xu hướng biến động của khả năng sinh lợi, cần so sánh trị số của chỉ tiêu “Hệ số sinh lời của vốn chủ sở hữu” và chỉ tiêu “Hệ số sinh lời ròng của tài sản” theo thời gian.
Nhằm thuận tiện và đơn giản trong việc tính toán và rút ra nhận xét khái quát về tình hình tài chính, tránh sự rời rạc và tản mạn trong quá trình đánh giá, khi phân tích, có thể lập bảng sau:
Bảng 6.1: Bảng đánh giá khái quát tình hình tài chính
Chỉ tiêu | Kỳ gốc
1 |
Kỳ gốc
2 |
… | Kỳ phân tích | Kỳ phân tích so với kỳ gốc 1 | Kỳ phân tích so với kỳ gốc 2 |
… |
||
± | % | ± | % | ||||||
A | B | C | D | E | G | H | I | ||
1. Tổng nguồn vốn
2. Tổng doanh thu và thu nhập 3. Lợi nhuận sau thuế 4. Tổng dòng tiền thu vào 5. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ 6. Hệ số tự tài trợ 7. Hệ số tự tài trợ tài sản dài hạn 8. Hệ số đầu tư dài hạn tổng quát 9. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát 10. Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn 11. Hệ số khả năng chi trả nợ ngắn hạn 12. Hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh 13. Hệ sốsinh lời ròng của tài sản 14. Hệ số sinh lời của vốn chủ sở hữu |
Qua bảng phân tích trên, các nhà phân tích sẽ nắm được các nội dung chủ yếu sau:
– Cột B, C, …,D: Phản ánh trị số của các chỉ tiêu ở các kỳ (điểm) tương ứng (năm N và các năm liền kề trước năm N). Dựa vào trị số của các chỉ tiêu ở các kỳ (điểm), các nhà phân tích sẽ đánh giá được quy mô vốn, mức độ độc lập hoặc phụ thuộc về tài chính của doanh nghiệp, mức độ đầu tư vào tài sản dài hạn, khả năng thanh toán, khả năng sinh lợi của vốn chủ sở hữu và của tài sản của doanh nghiệp ở từng kỳ (điểm) tương ứng.
+ Cột “±” (các cột E, H..): Phản ánh sự biến động về số tuyệt đối của các chỉ tiêu. Qua các cột này, các nhà phân tích sẽ thấy được mức độ biến động về qui mô ứng với từng chỉ tiêu theo thời gian.
+ Cột “%” (các cột G, I …): Phản ánh sự biến động về số tương đối theo thời gian của các chỉ tiêu. Qua các cột này, các nhà phân tích sẽ thấy được mức độ tăng trưởng và xu hướng biến động theo thời gian của các chỉ tiêu nghiên cứu.
Cần lưu ý là những chỉ tiêu dùng để đánh giá khái quát tình hình tài chính của doanh nghiệp có thể phân thành hai nhóm: nhóm những chỉ tiêu xác định tại một thời điểm và nhóm những chỉ tiêu xác định trong một kỳ. Thuộc nhóm chỉ tiêu tính toán tại một thời điểm gồm: tổng nguồn vốn, hệ số tự tài trợ, hệ số tự tài trợ tài sản dài hạn, hệ số đầu tư, hệ số khả năng thanh toán tổng quát, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn; Thuộc nhóm chỉ tiêu tính toán tại một thời kỳ gồm: Tổng doanh thu và thu nhập, lợi nhuận sau thuế, tổng dòng tiền thu vào, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ, Hệ số khả năng chi trả, hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh, hệ số sinh lời ròng của tài sản và hệ số sinh lời của vốn chủ sở hữu. Khi đánh giá khái quát tình hình tài chính phải kết hợp cả trị số của các chỉ tiêu và sự biến động của các chỉ tiêu.
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass
Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/
Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan
Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040