[Thuế CPA] Phân loại thuế

699

Căn cứ theo đặc điểm, công dụng, chức năng và vai trò của từng loại thuế đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội và tuỳ theo mục tiêu, yêu cầu của quản lý mà người ta có thể đưa ra các cách phân loại thuế khác nhau, từ đó nhằm sử dụng phát huy vai trò tích cực của từng công cụ thuế trong quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Dưới đây là một số cách phân loại chủ yếu.

1.3.1. Phân loại theo thẩm quyền đánh thuế

Căn cứ vào thẩm quyền đánh thuế, thuế được phân loại thành thuế trung ương (Federal taxes) và thuế địa phương (Local taxes). Cách phân loại này chỉ tồn tại ở các quốc gia có phân quyền tự chủ về ngân sách và thuế cho các địa phương, phổ biến là các quốc gia có thể chế liên bang.

Thuế trung ương là loại thuế do chính quyền trung ương (liên bang) ban hành và được thu nộp vào ngân sách trung ương.

Thuế địa phương là loại thuế do chính quyền địa phương ban hành và được thu nộp vào ngân sách địa phương. Tùy theo cách thức tổ chức chính quyền của một quốc gia có thể có nhiều cấp độ thuế địa phương, chẳng hạn như: thuế bang, thuế vùng, thuế tỉnh…

Ở Việt Nam, Nhà nước được xây dựng theo nguyên tắc tập trung – dân chủ: Trung ương thống nhất ban hành pháp luật, chính sách; các cấp chính quyền địa phương không được phép ban hành và quản lý thu các loại thuế riêng. Tất cả các nguồn thu thuế do Nhà nước thống nhất quản lý và việc phân bổ nguồn lực cho các địa phương, phân chia các nguồn thu từ thuế trên địa bàn được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Vì vậy, hiện nay ở Việt Nam không tồn tại thuế trung ương và thuế địa phương.

1.3.2. Phân loại theo cơ sở thuế

Theo cách phân loại này, thuế được chia thành thuế thu nhập, thuế tiêu dùng và thuế tài sản.

Thuế thu nhập là loại thuế đánh vào phần thu nhập kiếm được của các tổ chức và cá nhân. Cơ sở thuế thu nhập là phần thu nhập kiếm được trong một thời kỳ nhất định của người nộp thuế.

Thuế tài sản là loại thuế đánh vào phần thu nhập tích trữ dưới dạng tài sản. Cơ sở thuế tài sản là giá trị của tài sản mà người nộp thuế có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng. Tất nhiên, không phải mọi tài sản đều bị đánh thuế. Nhà nước thường chỉ đánh thuế vào những tài sản có giá trị lớn và có thể kiểm soát được. Tuy cơ sở thuế là giá trị của tài sản nhưng bản chất của cơ sở thuế chính là phần thu nhập đã được tạo ra trong quá khứ của người nộp thuế.

Thuế tiêu dùng là loại thuế đánh vào phần thu nhập đem tiêu dùng ở hiện tại của người nộp thuế. Cơ sở thuế tiêu dùng là phần thu nhập đã kiếm được hoặc sẽ kiếm được của người nộp thuế đem tiêu dùng ở hiện tại.

1.3.3. Phân loại theo phương thức đánh thuế

Phương thức đánh thuế thể hiện cách nhà nước điều tiết thu nhập của các tổ chức cá nhân trong xã hội – điều tiết trực tiếp hay điều tiết gián tiếp. Theo cách phân loại này, thuế được chia thành thuế trực thu và thuế gián thu.

Thuế trực thu là loại thuế do người chịu thuế trực tiếp nộp thuế cho nhà nước. Thuế trực thu trực tiếp điều tiết vào thu nhập hoặc tài sản của người nộp thuế, ví dụ như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Do thuế trực thu trực tiếp điều tiết vào thu nhập, tài sản của tổ chức và cá nhân, có xem xét đến hoàn cảnh, điều kiện và khả năng đóng góp của người nộp thuế nên nó rất có tác dụng trong việc điều hoà thu nhập, góp phần giảm bớt sự chênh lệch về thu nhập và tài sản giữa các tầng lớp dân cư. Đây cũng là ưu điểm nổi bật của thuế trực thu so với thuế gián thu. Tuy nhiên, thuế trực thu lại có hạn chế lớn là dễ gây phản ứng từ phía người nộp thuế hoặc dễ xảy ra tình trạng trốn, lậu thuế nếu quy định mức thuế suất cao. Hơn nữa, việc theo dõi, tính toán và thu thuế phức tạp, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân với diện thu thuế rộng và phân tán. Vì vậy, nếu không có biện pháp quản lý thu thuế hiệu quả thì dễ dẫn đến hạn chế tác dụng của loại thuế này trong việc tập trung số thu đầy đủ, kịp thời về cho ngân sách nhà nước.

Thuế gián thu là loại thuế do các nhà sản xuất, thương nhân hoặc người cung cấp dịch vụ nộp cho Nhà nước thông qua việc cộng số thuế này vào giá bán cho người tiêu dùng chịu. Ví dụ như: thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… Dưới góc độ quy định pháp luật thuế, khác với thuế trực thu, người nộp thuế chính là người phải chịu thuế, với thuế gián thu, người nộp thuế và người chịu thuế (người trả thuế) không đồng nhất. Do điều tiết một cách gián tiếp vào thu nhập của người tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ thông qua cơ chế giá nên với thuế gián thu, người chịu thuế (người tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ) ít có cảm giác bị nhà nước đánh thuế. Vì vậy, loại thuế này cũng ít gây ra những phản ứng từ phía người chịu thuế mỗi khi chính phủ có chủ trương tăng thuế. Ưu điểm nổi bật của thuế gián thu là nó có khả năng đáp ứng nguồn thu kịp thời, ổn định cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thuế gián thu cũng có những hạn chế nhất định, đó là: do thuế gián thu được tính trên giá cả hàng hoá, dịch vụ, không tính tới điều kiện, hoàn cảnh của đối tượng chịu thuế, vì vậy, không đảm bảo được sự công bằng xã hội, thậm chí còn mang tính luỹ thoái. Có nghĩa là, bất kể người tiêu dùng là người giàu hay người nghèo, thu nhập cao hay thấp, nếu cùng tiêu dùng một lượng hàng hoá, dịch vụ như nhau thì cùng phải chịu một mức điều tiết thuế như nhau. Số thuế này nếu so với thu nhập của người giàu và người nghèo thì rõ ràng chúng mang tính luỹ thoái, thể hiện ở chỗ tỷ lệ giữa tiêu dùng so với thu nhập của người nghèo cao hơn tỷ lệ này của người giàu, và đương nhiên tỷ lệ giữa thuế gián thu so với tổng thu nhập của người nghèo lớn hơn người giàu.

Sự phân biệt giữa thuế trực thu và thuế gián thu chỉ rõ ràng ở góc độ pháp lý, tức là theo quy định của pháp luật thì người nộp thuế có là người chịu thuế không hay người nộp thuế là người phải có trách nhiệm kê khai, nộp thuế cho một người khác. Dưới góc độ kinh tế, gánh nặng thuế thực sự do ai chịu không phụ thuộc vào đó là thuế trực thu hay thuế gián thu mà phụ thuộc vào độ co giãn của của cung cầu hàng hóa, dịch vụ.

1.3.4. Phân loại dựa theo mối quan hệ giữa thuế với thu nhập

Cách phân loại này xét mối quan hệ tỷ lệ giữa số thuế phải gánh chịu với thu nhập của người chịu gánh nặng thuế. Cách phân loại này cho thấy gánh nặng thuế được phân bổ cho đối tượng nào là chính, cho người nghèo hay cho người giầu. Nó phản ánh phần nào tính công bằng của các sắc thuế. Theo cách phân loại này, thuế được chia thành 3 loại: Thuế lũy tiến, thuế lũy thoái và thuế tỷ lệ.

Thuế lũy tiến là loại thuế mà tỷ lệ phần trăm số thuế phải gánh chịu so với thu nhập của người chịu thuế tăng lên khi thu nhập tăng. Tiêu biểu cho loại thuế này là thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp áp dụng biểu thuế lũy tiến đối với thu nhập. Đối với thuế lũy tiến, người giầu chịu thuế nhiều hơn người nghèo.

Thuế lũy thoái là loại thuế mà tỷ lệ phần trăm số thuế phải gánh chịu so với thu nhập của người chịu thuế giảm đi khi thu nhập tăng. Tiêu biểu cho loại thuế này là thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Với loại thuế này, người nghèo chịu thuế nhiều hơn người giầu.

Thuế tỷ lệ là loại thuế mà tỷ lệ phần trăm số thuế phải gánh chịu so với thu nhập của người chịu thuế không đổi khi thu nhập tăng. Tiêu biểu cho loại thuế này là thuế thu nhập doanh nghiệp trong trường hợp sắc thuế này chỉ áp dụng một thuế suất phổ thông cho mọi mức thu nhập của người nộp thuế.

1.3.5.  Phân loại theo cách thiết kế mức thu

Theo cách phân loại này, thuế được phân loại thành thuế tuyệt đối và thuế theo giá trị.

Thuế tuyệt đối là loại thuế mà mức thuế được xác định bằng mức tiền tuyệt đổi trên một đơn vị vật lý của đối tượng bị đánh thuế (trọng lượng, khối lượng, diện tích…), độc lập với giá trị tiền tệ của chúng. Loại thuế này có lợi thế là rất đơn giản, không cần phải xác định giá trị của đối tượng bị đánh thuế nhưng lại có bất lợi là không thích ứng trong trường hợp tiền tệ bị mất giá. Ở một số nước, loại thuế này thường được áp dụng dưới hình thức thuế rượu, thuế thuốc lá, thuế bia…

Thuế theo giá trị là loại thuế được tính toán bằng cách áp dụng một tỷ lệ (hoặc tỷ lệ phần trăm) trên cơ sở thuế. Ưu điểm của loại thuế này là dễ thích ứng trong trường hợp lạm phát. Đồng thời, số thuế thu được tỷ lệ thuận theo giá trị của cơ sở thuế.

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091

Tham khảo dịch vụ tư vấn từng lần – giải quyết các nỗi lo rủi ro thuế

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Group Facebook chia sẻ mẫu biểu: https://www.facebook.com/groups/congvanketoan

Group Zalo chia sẻ miễn phí: https://zalo.me/g/xefwrd200

Website: https://gonnapass.com

Hotline/ Zalo : 0888 942 040

avatar
hien

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page