Thuế nhà thầu dịch vụ điện toán đám mây được xác định như thế nào? Tham khảo qua một số thông tin tại văn bản đính kèm dưới đây.
Dịch vụ điện toán đám mây chịu thuế suất bao nhiêu %
Theo quan điểm của chúng tôi
- > Nếu dịch vụ điện toán đám mây (Cloud) được xác định là dịch vụ phần mềm thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và áp dụng tỷ lệ (%) thuế TNDN 5%
- > Nếu dịch vụ điện toán đám mây (Cloud) không được xác định là dịch vụ phần mềm thì áp dụng tỷ lệ thuế GTGT 5% và thuế TNDN 5%
- > Trường hợp nhà thầu nước ngoài bán bản quyền thì không chịu thuế GTGT nhưng chịu tỷ lệ (%) thuế TNDN đối với bản quyền là 10%
THEO DANH MỤC SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRỌNG ĐIỂM Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2021/TT-BTTTT ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Trích công văn số 1145/BTTTT-CATTT của Bộ Thông tin truyền thông 2.1. Khái niệm điện toán đám mây a) Điện toán đám mây là mô hình dịch vụ cho phép sử dụng tài nguyên điện toán dùng chung (mạng, máy chủ, lưu trữ, ứng dụng, dịch vụ) thông qua kết nối mạng. Tài nguyên điện toán đám mây này có thể được thiết lập hoặc hủy bỏ bởi người dùng mà không cần sự can thiệp của Nhà cung cấp dịch vụ…
|
Tham khảo văn bản hướng dẫn
Tham khảo công văn 4035/CTHN-TTHT hướng dẫn chính sách thuế nhà thầu khi mua gói Slack, Github sử dụng trên nền tảng công nghệ từ nhà cung cấp nước ngoài
Trường hợp nhà thầu nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78, Điều 79 Thông tư số 80/2021/TT-BTC, thì Công ty TNHH Sun Asterisk Việt Nam có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài số thuế phải nộp theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC. Cụ thể:
- > Về thuế TNDN: Thu nhập phát sinh tại Việt Nam của nhà thầu nước ngoài nhận được do cung cấp quyền sử dụng các tiện ích trên nền tảng công nghệ có sẵn được xác định là thu nhập từ bản quyền theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính; tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế là 10%.
- > Về thuế GTGT: Thu nhập phát sinh tại Việt Nam của nhà thầu nước ngoài nhận được do cung cấp quyền sử dụng các tiện ích trên nền tảng công nghệ có sẵn nếu không phải là dịch vụ phần mềm theo quy định tại Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ, không phải là chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT; tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu đối với dịch vụ là 5%.
Tham khảo công văn 94769/CT-TTHT
- > Trường hợp nhà thầu nước ngoài cung cấp dịch vụ phần mềm thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và áp dụng tỷ lệ (%) thuế TNDN 5% tính trên doanh thu tính thuế. Trường hợp không phải dịch vụ phần mềm thì áp dụng tỷ lệ thuế GTGT 5% và thuế TNDN 5%.
- > Trường hợp việc cung cấp dịch vụ của nhà thầu nước ngoài có kèm bản quyền thì áp dụng tỷ lệ (%) thuế TNDN đối với bản quyền là 10% tính trên doanh thu tính thuế.
Tham khảo công văn 3518/TCT-CS
Tổng cục Thuế trả lời Tổng cục Hải quan về thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ thuê công nghệ thông tin (CNTT).
– Các dịch vụ: Dịch vụ hệ thống công nghệ thông tin với các chức năng phầm mềm đáp ứng các yêu cầu thực hiện tất cả các nghiệp vụ hải quan; dịch vụ điều chỉnh và chuyển các chức năng của hệ thống công nghệ thông tin hiện tại sang cơ sở dữ liệu mới; dịch vụ bảo trì; dịch vụ hỗ trợ người sử dụng hệ thống phần mềm ứng dụng là các sản phẩm, dịch vụ phần mềm theo quy định tại Nghị định 71/2007/NĐ-CP thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo Khoản 21, Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC.
– Các dịch vụ hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ dữ liệu; hệ thống sao lưu dữ liệu; hệ thống cân bằng tải hỗ trợ, bảo trì phần cứng không phải là các dịch vụ phần mềm theo quy định tại Nghị định 71/2007/NĐ-CP thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo Thông tư 219/2013/TT-BTC.
– Dịch vụ bản quyền phần mềm hệ thống: Trường hợp xác định đây là hoạt động mua sắm/ chuyển giao bản quyền phần mềm theo Nghị định 71/2007/NĐ-CP thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo Khoản 21, Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Cơ sở pháp lý
– Căn cứ Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/05/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin
+ Tại Điều 3 quy định:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Sản phẩm phần mềm là phần mềm và tài liệu kèm theo được sản xuất và được thể hiện hay lưu trữ ở bất kỳ một dạng vật thể nào, có thể được mua bán hoặc chuyển giao cho đối tượng khác khai thác, sử dụng.
…
10. Dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm… ”
+ Tại Điều 9 quy định về các loại sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm như sau:
“2. Các loại sản phẩm phần mềm bao gồm:
a) Phần mềm hệ thống;
b) Phần mềm ứng dụng;
c) Phần mềm tiện ích;
d) Phần mềm công cụ,
đ) Các phần mềm khác.
3. Các loại dịch vụ phần mềm bao gồm:
a) Dịch vụ quản trị, bảo hành, bảo trì hoạt động của phần mềm và hệ thống thông tin;
b) Dịch vụ tư vấn, đánh giá, thẩm định chất lượng phần mềm;
c) Dịch vụ tư vấn, xây dựng dự án phần mềm;
d) Dịch vụ tư vấn định giá phần mềm;
đ) Dịch vụ chuyển giao công nghệ phần mềm;
e) Dịch vụ tích hợp hệ thống;
g) Dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho sản phẩm phần mềm, hệ thống thông tin;
h) Dịch vụ phân phối, cung ứng sản phẩm phần mềm;
i) Các dịch vụ phần mềm khác.”
– Căn cứ Thông tư số219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:
+ Tại Khoản 21 Điều 4 quy định đối tượng không chịu thuế GTGT
“21. ..Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật”
Biên soạn: Nguyễn Việt Anh – Tư vấn viên
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass