Nên lập hộ kinh doanh hay công ty doanh nghiệp

1945

Chúng tôi xin gửi tới độc giả một số thông tin để lựa chọn nên lập hộ kinh doanh hay công ty, doanh nghiệp, giúp cho người đọc có lựa chọn phù hợp.

Tình huống

Q&A: Cho tôi hỏi, tôi là cá nhân buôn bán lẻ vậy tôi có bắt buộc phải đăng ký hộ kinh doanh không?

Nhiều trường hợp kinh doanh, cá nhân không thực hiện đăng ký kinh doanh để giảm các công việc hành chính, thậm chí tâm lý cố ý không xin giấy phép đăng ký kinh doanh để giảm, tránh, trốn thuế. Nếu bị các cơ quan phát hiện những cơ sở kinh doanh này sẽ bị phạt nặng hoặc bị đình chỉ hoạt động kinh doanh: “…2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh….”

Nhược điểm của hộ kinh doanh

So với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể gặp phải một số nhược điểm như không được bảo vệ thương hiệu; không được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng (phương pháp khấu trừ thuế GTGT nên không được hoàn thuế); không có tư cách pháp nhân, không có sự độc lập về tài sản giữa tài sản của hộ kinh doanh với chủ hộ mà chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, tính chất hoạt động nhỏ lẻ hơn, ít tạo được lòng tin hơn, khó mở rộng thị trường và chưa nâng cao được tính cạnh tranh cho các sản phẩm hay dịch vụ tạo ra.

Ưu điểm của hộ kinh doanh

Việc kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh vẫn được rất nhiều cá nhân, hộ gia đình lựa chọn vì một số lý do sau

  • Thủ tục thành lập khá đơn giản, chi phí thấp, quyết định các vấn đề kinh doanh nhanh gọn, dễ thay đổi ngành nghề
  • Ít ràng buộc về tổ chức, quản lý, quy mô gọn nhẹ, quản lý sổ sách kế toán đơn giản
  • Giảm thiểu thủ tục kê khai thuế, có thể được áp dụng chế độ thuế khoán
  • Không giới hạn lao động, có thể kinh doanh trên nhiều địa bản
  • Giảm chi phí tuân thủ về bảo hiểm, công đoàn, lao động hay phòng chống chữa cháy…. , hoạt động thanh tra kiểm tra

Trong thực tiễn hoạt động, nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi hình thức thành doanh nghiệp để giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm nghĩa vụ nộp thuế, bảo hiểm…

Thành lập hộ kinh doanh và đăng ký thuế

Một số vướng mắc của Hộ kinh doanh do Tổng Cục thuế giải đáp

Chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Khi hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ các chính sách theo quy định Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ, điều kiện để được hưởng hỗ trợ là trước khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải được đăng ký và hoạt động theo quy định và hộ kinh doanh đã có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất 01 năm (tính đến ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu). Các chính sách hỗ trợ cụ thể:

– Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với những ngành nghề phải có điều kiện (nếu có) tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

– Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

– Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

– Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

– Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai

Trích dẫn Cục thuế Tỉnh Quảng Ninh

Các lợi ích khác khi doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp:

Có rất nhiều hoạt động kinh doanh mà cá nhân không thể tiến hành mà phải là một tổ chức, đặc biệt như các ngành nghề như luật sư, môi giới bất động sản, dịch vụ hàng không, vận tải khách theo tuyến cố định, vận tải taxi… cần có điều kiện kinh doanh. Mặt khác, việc không đăng ký thành lập doanh nghiệp khi kinh doanh sẽ gây ra nhiều vấn đề lớn đến kế hoạch kinh doanh dài hạn hoặc cần nhiều yêu cầu, thủ tục liên quan. Thành lập công ty cũng giúp tạo ra một thương hiệu của riêng của chủ doanh nghiệp. Khi các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh của doanh nghiệp trở nên phổ biến trong thị trường rất cần một thương hiệu để người tiêu dùng có thể phân biệt được với các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khác. Thành lập công ty chính là bước đầu của việc gây dựng nên thương hiệu. Chủ sở hữu doanh nghiệp có thể từng bước tạo dựng ấn tượng trong nhận thức của người tiêu dùng và tiến tới mở rộng quy mô kinh doanh, tăng lợi nhuận.

Việc thành lập doanh nghiệp tạo khả năng huy động vốn khi doanh nghiệp đi vào hoạt động; trở thành một phần của thị trường, do đó tạo được nguồn lợi nhuận lớn hơn các loại hình khác. Theo quy định của Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13, trường hợp các cá nhân cùng muốn kinh doanh có thể tiến hành góp vốn hoặc góp vốn cùng các công ty khác để thành lập một doanh nghiệp, hay có thể góp vốn vào một công ty đang tồn tại. Cơ quan nhà nước sẽ chứng nhận việc góp vốn vào Doanh nghiệp. Vì vậy cá nhân có thể yên tâm được đảm bảo các quyền và nghĩa vụ khi thành lập doanh nghiệp.

Lợi ích pháp lý: Công ty là một loại hình kinh doanh được pháp luật cho phép, đồng thời có những hành lang pháp lý giúp cho hoạt động của doanh nghiệp rõ ràng, minh bạch và tin cậy hơn.

Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp là một pháp nhân với cơ cấu tổ chức chặt chẽ, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời, doanh nghiệp cũng tự nhân danh chính mình để tham gia vào các quan hệ pháp luật. Pháp luật cũng quy định rõ chi tiết quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong doanh nghiệp. Việc đó giúp cho các giao dịch trở nên hợp pháp, tránh được các tranh chấp không mong muốn.

Lợi ích mang tính xã hội: Doanh nghiệp kinh doanh tốt, lợi nhuận cao sẽ góp phần đóng góp các loại thuế cho nhà nước. Doanh nghiệp tạo ra được nhiều việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Mặt khác, GDP chung của nền kinh tế cũng tăng trưởng theo sự phát triển của doanh nghiệp.

Lợi thế cạnh tranh: Công ty/tổ chức có tư cách pháp nhân sẽ con dấu, giấy chứng nhận doanh nghiệp sẽ tạo được uy tín với khách hàng.

Doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn Giá trị gia tăng khấu trừ mà hộ kinh doanh không được sử dụng. Đối với các khách hàng là doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính nhà nước cần hóa đơn để minh bạch hóa chi phí, khấu trừ thuế GTGT đầu vào họ sẽ ưu tiên dùng dịch vụ, mua hàng của một doanh nghiệp chứ không mua hàng của cá nhân.

Như vậy có nhiều lợi ích khi thành lập doanh nghiệp, Do đó, các hộ, cá nhân kinh doanh nên xem xét, cân nhắc để chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp để tiến hành kinh doanh một cách thuận lợi, dễ dàng và đạt được hiệu quả cao.

Biên soạn: Trần Thị Thanh Thảo, Lê Mạnh Chiến – Tư vấn viên

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page