Trợ cấp thôi việc và chính sách thuế với trợ cấp thôi việc

4426

Thời gian thử việc không tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian nghỉ chế độ ốm đau thai sản cũng có thể được tính vào thời gian hưởng trợ cấp thôi việc khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động và thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định. Hãy cùng tham khảo vấn đề này với Gonnapass

@tuvanthue Khi nghỉ việc có thể được thêm trợ cấp thôi việc! #trocap #allowance #luatlaodong #laborcode #thoiviec #tax #thuetncn #pit #learnontiktok ♬ nhạc nền – Kế toán

Đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc       

 

Theo Điều 34, Điều 46 Bộ Luật Lao động 2019

Người lao động là đối tượng hưởng trợ cấp thôi việc khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

– Người lao động làm việc thường xuyên cho đơn vị từ đủ 12 tháng trở lên

– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Trừ một số trường hợp:

♦ Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng

♦ Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên

♦ Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải

♦ Chấm dứt hợp đồng lao động và người sử dụng lao động phải trả trợ cấp mất việc (do tái cơ cấu; vì lí do kinh tế…. theo điều 42, 43 bộ Luật lao động 2019).

 

Mỗi năm tính trợ cấp thôi việc được trả nửa (1/2) tháng lương

 

Tiền trợ cấp thôi việc = 1/2 x Tiền lương tính trợ cấp thôi việc x Thời gian tính trợ cấp thôi việc

Tiền lương tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi thôi việc;

Trong đó :

Thời gian tính trợ cấp thôi việc = Tổng thời gian làm việc thực tế – Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp  – Thời gian đã được trả trợ cấp thôi việc trước đó.

* Lưu ý:

♦ Thời gian tính trợ cấp thôi việc tính theo năm (đủ 12 tháng); nếu có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính 01 năm.

♦  Thời gian làm việc thực tế bao gồm cả thời gian thử việc; thời gian nghỉ chế độ ốm đau, thai sản (Theo khoản 3, Điều 8, Nghị Định 145/2020/NĐ-CP).

♦  Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng BHTN, thời gian được tính là thời gian đã đóng BHTNtheo quy định của pháp luật về BHTN. Trong khi đó, theo quy định thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản KHÔNG được tính là thời gian đóng BHTN. Và thời gian thử việc cũng có thể là trường hợp không tính là thời gian đóng BHTN.

⇒ Hay nói cách khác thời gian tính trợ cấp thôi việc có thể sẽ bao gồm cả thời gian thử việc và thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Hạch toán kế toán

Khi trích lập dự phòng cho các khoản chi phí dự phòng trợ cấp thôi việc theo quy định của Luật lao động ghi:

Nợ các TK Chi phí (627, 641, 642…)

Có TK 352 – Dự phòng phải trả

Theo thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn về tài khoản 352 – Dự phòng phải trả:

“…Dự phòng phải trả khác, bao gồm cả khoản dự phòng trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật, khoản dự phòng cho việc sửa chữa, bảo dưỡng TSCĐ định kỳ (theo yêu cầu kỹ thuật), khoản dự phòng phải trả đối với hợp đồng có rủi ro lớn mà trong đó những chi phí bắt buộc phải trả cho các nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng vượt quá những lợi ích kinh tế dự tính thu được từ hợp đồng đó…

Cho người lao động nghỉ việc được không?

Trợ cấp thôi việc trả cao hơn mưc quy định không được tính vào chi phí hợp lý

 

         Khoản chi trợ cấp thôi việc được tính và chi trả theo đúng quy định của Luật Lao động sẽ được tính vào chi phí được trừ khi thỏa mãn điều kiện về hồ sơ chứng từ: Quyết định nghỉ việc, Quyết định chi trả trợ cấp thôi việc, chứng từ thanh toán khoản trợ cấp,…

Trường hợp Công ty chi trả khoản trợ cấp thôi việc cho người lao động cao hơn mức quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội thì không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Công văn 1352_TCT-DNNCN về thuế TNDN với trợ cấp thôi việc cao hơn quy định

Căn cứ quy định và hướng dẫn nêu trên, Công ty TNHH Cốc Cốc có trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp được chi trả bởi Cơ quan Bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp Công ty TNHH Cốc Cốc chi trả khoản trợ cấp thôi việc cho người lao động cao hơn mức quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội thì không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC nêu trên.

Không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN đối với khoản trợ cấp thôi việc nhận được theo quy định.

Mức trợ cấp thôi việc nhận được cao hơn mức quy định sẽ bị tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động. Tùy theo thời điểm chi trả, người sử dụng lao động sẽ áp dụng theo biểu thuế lũy tiến hoặc khấu trừ 10%:

♦  Trường hợp doanh nghiệp chi trả trợ cấp trước khi chấm dứt hợp đồng lao động thì chịu thuế theo biểu lũy tiến. Phần vượt mức quy định của Bô Luật lao động sẽ được cộng với các khoản thu nhập khác trong kỳ để khấu trừ thuế TNCN theo biểu lũy tiến.

♦  Trường hợp doanh nghiệp chi trả trợ cấp sau khi chấm dứt hợp đồng: phần vượt mức quy định của Bộ Luật Lao động từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên cho người lao động sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động thì công ty phải thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trên tổng thu nhập chi trả cho người lao động.

Tuy nhiên cần lưu ý tình huống nhận trợ cấp thôi việc tại nước ngoài, xem công văn 361/TCT-DNNCN

 

Mức phạt do không chi trả trợ cấp thôi việc 

Theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: …không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật…

Mức phạt như sau:

– Từ 1 – 2 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 – 10 người lao động

– Từ 2 – 5 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 – 50 người lao động

– Từ 5 – 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 – 100 người lao động

– Từ 10 – 15 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 – 300 người lao động

– Từ 15 – 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài việc bị phạt tiền, người sử dụng lao động phải trả đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động.

Tham khảo trích dẫn Luật

 

– Về đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc: Điều 34, Điều 46 Bộ Luật Lao động 2019

– Về thời gian tính trợ cấp thôi việc: khoản 5, Điều 8, Nghị Định 145/2020/NĐ-CP

– Về chính sách thuế với trợ cấp thôi việc: Điều 2 thông tư 111/2013/TT-BTC quy định những khoản trợ cấp không phải chịu thuế:

“b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:

…..b6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.”

 

Biên soạn:

Nguyễn Thị Minh Phượng  – Tư vấn viên

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Để biết thêm thông tin cụ thể, xin vui lòng liên hệ với các chuyên viên tư vấn.

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapasscom/

 

avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page