Hoá đơn điện tử đính kèm bảng kê

6320

Về cơ bản, KHÔNG được phép áp dụng hóa đơn điện tử kèm bảng kê như hóa đơn giấy trước đây vì không bị giới hạn số dòng trên 01 hóa đơn.

Bạn hỏi:

Theo được biết thì hóa đơn điện tử không giới hạn số dòng nên có thể xuất hóa đơn điện tử gôm nhiều trang, tuy nhiên có 1 nhà cung cấp của chúng tôi đã xuất hóa đơn điện tử đính kèm bảng kê. Hóa đơn này có hợp pháp không?

Gonna Pass trả lời:

Cập nhật Nghị định 123/2020/NĐ-CP: 

Trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì người bán được sử dụng bảng kê để liệt kê các loại hàng hóa, dịch vụ đã bán kèm theo hóa đơn đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ đặc thù được bán theo kỳ nhất định như “điện, nước, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyn phát, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm”

Như vậy, ngoài các dịch vụ trên đây, doanh nghiệp không được lập hóa đơn điện tử kèm bảng kê, hướng dẫn tại công văn số 587/TCT-CS

Trước đây, theo tinh thần hướng dẫn của Tổng Cục Thuế và một số cơ quan thuế địa phương, hóa đơn điện tử KHÔNG được phép đính kèm bảng kê vì không bị giới hạn số dòng trên 01 hóa đơn.

Cách 1: Người bán hàng có thể lập thành nhiều hóa đơn.

Cách 2: Người bán hàng sử dụng hóa đơn nhiều hơn một trang – Phải được cơ quan thuế chấp thuận kèm điều kiện

Update: 

  • Với khách lẻ không lấy hóa đơn, cần lưu ý rằng hóa đơn điện tử không còn cho phép việc lập 01 bảng kê chung cho khách hàng mua hàng hóa dịch vụ từ 200.000 trở xuống và không lấy hóa đơn. Do đó, mọi giao dịch bán hàng cần lập hóa đơn không phân biệt giá trị
  • Tổng cục thuế đã ra công văn về việc hoá đơn điện tử không được đính kèm bảng kê

 

Hướng dẫn của văn bản này phù hợp với hướng dẫn trước đó của một số cơ quan thuế trước đó. Trích dẫn công văn số 3474/CT-TTHT ngày 8/11/2018 của Cục Thuế Bắc Ninh có  hướng dẫn:

“…khi lập hóa đơn điện tử Công ty không được lập bảng kê kèm theo.”

Cục thuế Hà Nội đã ra công văn số 78552 / CT-TTHT  về Hoá đơn điện tử không được đính kèm bảng kê như sau:

 

Tham khảo công văn 820/TCT-DNL hướng dẫn trường hợp chấp thuận cho DN sử dụng Hóa đơn điện tử nhiều hơn một trang:

Tuy nhiên, do không có căn cứ cụ thể theo văn bản pháp lý để áp dụng, do đó việc áp dụng hóa đơn điện tử lập kèm bảng kê có thể phụ thuộc vào quan điểm của từng cơ quan thuế địa phương. Vậy nên để phù hợp và chính xác nhất thì Công ty nên gửi công văn trực tiếp đến Cơ quan Thuế quản lý để nhận được hướng dẫn cụ thể.

Đối với những hoá đơn đã xuất và có công văn của cơ quan Thuế quản lý, vui lòng xem:

Điều chỉnh hoá đơn điện tử có sai sót

Cơ sở pháp lý

Điều 10. Nội dung của hóa đơn

6. Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng.

a) Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ

– Tên hàng hóa, dịch vụ: Trên hóa đơn phải thể hiện tên hàng hóa, dịch vụ bằng tiếng Việt. Trường hợp bán hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau thì tên hàng hóa thể hiện chi tiết đến từng chủng loại (ví dụ: điện thoại Samsung, điện thoại Nokia…). Trường hợp hàng hóa phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu thì trên hóa đơn phải thể hiện các số hiệu, ký hiệu đặc trưng của hàng hóa mà khi đăng ký pháp luật có yêu cầu. Ví dụ: Số khung, số máy của ô tô, mô tô, địa chỉ, cấp nhà, chiều dài, chiều rộng, số tầng của một ngôi nhà…

Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ được giao dịch có quy định về mã hàng hóa, dịch vụ thì trên hóa đơn phải ghi cả tên và mã hàng hóa, dịch vụ.

– Đơn vị tính: Người bán căn cứ vào tính chất, đặc điểm của hàng hóa để xác định tên đơn vị tính của hàng hóa thể hiện trên hóa đơn theo đơn vị tính là đơn vị đo lường (ví dụ như: tấn, tạ, yến, kg, g, mg hoặc lượng, lạng, cái, con, chiếc, hộp, can, thùng, bao, gói, tuýp, m3, m2, m…). Đối với dịch vụ thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “đơn vị tính” mà đơn vị tính xác định theo từng lần cung cấp dịch vụ và nội dung dịch vụ cung cấp.

– Số lượng hàng hóa, dịch vụ: Người bán ghi số lượng bằng chữ số Ả-rập căn cứ theo đơn vị tính nêu trên. Các loại hàng hóa, dịch vụ đặc thù như điện, nước, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyển phát, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm được bán theo kỳ nhất định thì trên hóa đơn phải ghi cụ thể kỳ cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Đối với các dịch vụ xuất theo kỳ phát sinh, được sử dụng bảng kê để liệt kê các loại hàng hóa, dịch vụ đã bán kèm theo hóa đơn; bảng kê được lưu giữ cùng hóa đơn để phục vụ việc kiểm tra, đối chiếu của các cơ quan có thẩm quyền.

Hóa đơn phải ghi rõ “kèm theo bảng kê số…, ngày… tháng… năm”. Bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá, thành tiền hàng hóa, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập Bảng kê. Trường hợp người bán nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì Bảng kê phải có tiêu thức “thuế suất giá trị gia tăng” và “tiền thuế giá trị gia tăng”. Tổng cộng tiền thanh toán đúng với số tiền ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng. Hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên Bảng kê theo thứ tự bán hàng trong ngày. Bảng kê phải ghi rõ “kèm theo hóa đơn số ngày… tháng… năm”.

– Đơn giá hàng hóa, dịch vụ: Người bán ghi đơn giá hàng hóa, dịch vụ theo đơn vị tính nêu trên. Trường hợp các hàng hóa, dịch vụ sử dụng bảng kê để liệt kê các hàng hóa, dịch vụ đã bán kèm theo hóa đơn thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có đơn giá.

 

 Căn cứ tại điều 14 TT32/2011/TT-BTC hướng dẫn về hóa đơn điện tử quy định

 “…2. Ngoài các nội dung hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này, các nội dung khác được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính phủ và Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính…”

Nội dung tại thông tư 32/2011/TT-BTC không có hướng dẫn liên quan đến việc lập hóa đơn kèm bảng kê, do đó, tham khảo theo căn cứ tại Khoản 1,2 Điều 19 T39/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định 51/2010/ND-CP:

Điều 19. Lập hóa đơn khi danh mục hàng hóa, dịch vụ nhiều hơn số dòng của một số hóa đơn

Trường hợp khi bán hàng hóa, dịch vụ nếu danh mục hàng hóa, dịch vụ nhiều hơn số dòng của một số hóa đơn, người bán hàng có thể lập thành nhiều hóa đơn hoặc lựa chọn một trong hai hình thức sau:

1. Người bán hàng ghi liên tiếp nhiều số hóa đơn…

Trường hợp cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn tự in, việc lập và in hóa đơn thực hiện trực tiếp từ phần mềm và số lượng hàng hóa, dịch vụ bán ra nhiều hơn số dòng của một trang hóa đơn, Cục thuế xem xét từng trường hợp cụ thể để chấp thuận cho cơ sở kinh doanh được sử dụng hóa đơn nhiều hơn một trang nếu trên phần đầu của trang sau của hóa đơn có hiển thị: cùng số hóa đơn như của trang đầu (do hệ thống máy tính cấp tự động); cùng tên, địa chỉ, MST của người mua, người bán như trang đầu; cùng mẫu và ký hiệu hóa đơn như trang đầu; kèm theo ghi chú bằng tiếng Việt không dấu “tiep theo trang truoc – trang X/Y” (trong đó X là số thứ tự trang và Y là tổng số trang của hóa đơn đó).”

2. Người bán hàng được sử dụng bảng kê để liệt kê các loại hàng hóa, dịch vụ đã bán kèm theo hóa đơn….”

 

Biên soạn: Trần Thị Thanh Thảo – Tư vấn viên – Manabox Việt Nam

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Để biết thêm thông tin cụ thể, xin vui lòng liên hệ với các chuyên viên tư vấn.

Công ty TNHH Manabox Việt Nam

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D, số 03 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hotline liên hệ: 02432 123 450 / 0888 942 040

Email: hotro@gonnapass.com

avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page