Kinh nghiệm tham dự kỳ thi công chức thuế 1

18459

Trở thành công chức Thuế là niềm mơ ước của rất nhiều người nhưng bạn đã biết gì về quá trình thi, tài liệu cũng như các vòng thi của kỳ thi công chức thuế chưa?

Hãy cùng nghe về kinh nghiệm tham dự kỳ thi tuyển dụng công chức Thuế của Chiến – một cựu Manabox-er nhé!

Mục tiêu kỳ thi tuyển dụng công chức thuế

Xin chào mọi người, đợt vừa rồi mình có thi kỳ thi tuyển dụng công chức thuế và may mắn pass (Điểm không cao nhưng mình hài lòng vì mục tiêu của mình là đỗ).  Mình viết bài review này để chia sẻ về kinh nghiệm khi ôn và tham dự kỳ thi công chức thuế năm 2020.
Thứ nhất, về mục tiêu thi kỳ thi tuyển dụng công chức thuế
Chắc hẳn hầu hết mọi người tham gia kỳ thi tuyển dụng công chức thuế thì mục tiêu là trở thành công chức Thuế. (Mình xin nhấn mạnh là CÔNG CHỨC chứ không phải CÁN BỘ nhé, để được làm cán bộ thì đó là 1 câu chuyện khác rồi). Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao mọi người lại muốn trở thành công chức Thuế? Chắc chắn mỗi người sẽ có mỗi lý do khác nhau, riêng với mình là do mình thấy đây là mội trường làm việc chuyên nghiệp, sẽ có cơ hội tiếp xúc hàng trăm doanh nghiệp, chế độ lương thưởng ổn định và một lý do phụ khác là nghe công chức thuế nó oai oai :)))
Có vài ý kiến bảo rằng kỳ thi thuế dành cho cocc và ng có tiền thì mình xin đính chính là nó sai nhé. Thật ra thì bất kể kỳ thi nào cũng đều sẽ có những bất cập nhưng mình nhấn mạnh kỳ thi thuế ngày nay đang ngày càng minh bạch và rõ ràng. Ai chăm chỉ, quyết tâm chắc chắn sẽ có kết quả tương xứng. Vậy nên đừng vì những ý nghĩ tiêu cực mà ảnh hưởng đến quyết tâm ôn luyện và khi quyết định tham dự thi thì hay thật chắc chắn đây là công việc phù hợp nhé!

Quá trình ôn thi

Kỳ thi thuế là một kỳ thi siêu dài, mình quen 1 bà chị lúc ôn thi đang ế mà đến bây giờ có chồng và sắp có con rồi. Nói thế chắc mọi người cũng dần mường tượng ra rồi nhỉ. Tuy nhiên, bây giờ mình thấy kỳ thi ngày càng được thực hiện nhanh gọn lẹ hơn rồi. Nghe giang hồ đồn thổi những năm 201x còn phải đợi năm rưỡi nữa ý.
Kỳ thi 2020 mà mình tham gia có thông báo từ tháng 8/2020 và tới thời điểm này đã có thông báo trúng tuyển và có thể tháng 7/2021 sẽ được đi làm rùi. Theo mình thấy, hầu hết mọi người sẽ ôn thi từ sớm, ví dụ như tháng 8 có thông báo ôn thi nhưng nhiều người đã bắt đầu ôn thi từ tháng 3, 4 rùi. Nhưng mình thì hơi khác, tháng 8 có thông báo thì tháng 8 mình mới ôn (Do ban đầu mình không có ý định thi trong năm nay).
Mình thấy có rất nhiều bạn kiểu tâm huyết với kỳ thi này, các bạn chọn nghỉ làm để tập chung ôn thi. Còn mình thì vừa đi làm vừa ôn thi. Cá nhân mình thấy cái này tùy vào mỗi người nhé. Nếu các bạn quyết tâm cao và không bị ràng buộc về tài chính quá thì các bạn hoàn toàn có thể nghỉ làm để ôn thi. Còn với mình thì mình thấy sáng chiều đi làm rồi tối về thu xếp ôn cũng khá ok nên mình không nghỉ làm, hơi vất vả nhưng đi làm còn có lương mà sống, với cả nhỡ đâu thi tạch thì không thành thất nghiệp.
Về quá trình ôn thi làm sao cho hiệu quả thì mình xin khẳng định đó là phải chăm. Mà để chăm thì bản thân mình có 1 giải pháp đó là tìm một người bạn cùng tiến. Đợt mình thi thì có 1 đứa em cùng ôn với mình. Nếu không có nó thúc giục học là mình trượt chổng vó lên rồi. Kiểu 2 đứa cùng ôn thì khi đứa này lười thì đứa kia sẽ đá đít để dậy học và ngược lại.
Tiếp đó để ôn thi hiệu quả thì cần phải biết cách sắp xếp thời gian, về kỳ thi này sẽ có 2 vòng 1 và 2, với 3 môn chính là kiến thức chung, tiếng anh và chuyên ngành (Về đề thi thì mình sẽ review sau nhé), các bạn cần phân bổ thời gian sao cho hợp lý nhất. Các nhân mình đánh giá môn chuyên ngành là môn quan trọng nhất và môn tiếng anh là môn yếu điểm của mình nên mình dành thời gian để ôn hai môn này trước.
Các phân bổ thời gian và ôn thi của mình như sau: Môn chuyên ngành sẽ ôn trong cả quá trình, môn tiếng anh sẽ được xen kẽ vào khoảng 1 tháng trước thi và môn kiến thức chung thì dành 1 tuần trước thi vòng 1 để ôn (Đây là cách phân bổ thời gian ôn thi của mình nhé, các bạn chỉ nên tham khảo vì mỗi người sẽ khác nhau)

Tài liệu ôn thi 

Tài liệu ôn thi là 1 yếu tố rất quan trọng để thành công trong một kỳ thi. Để có 1 tài liệu ôn thi chuẩn thì mình phải biết kỳ thi sẽ ra đề như nào.
Cái này thì mình tham gia các nhóm ôn thi công chức thuế, ở đây có rất nhiều bài chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ tài liệu. Các bạn có thể có được rất nhiều thông tin ở đây. Tuy nhiên các bạn cần biết chọn lọc thông tin nhé. Mình thấy có một số đối tượng rất khoa trương và thể hiện, chuyên đưa các thông tin làm nhiễu và làm ảnh hưởng tâm lý của người thi.
Về cơ bản, tài liệu về luật mình xem các văn bản hợp nhất, các luật, nghị định và thông tư. Vậy các bạn có thể xem ở đâu? Các bạn nên chọn nguồn tin cậy nhé, cụ thể như các bạn có thể vào trang thư viện điện tử để tải các văn bản quy phạm pháp luật về học.
Ngoài ra có một số nguồn tài liệu khác mình tham khảo như: Sách bài tập môn Thuế của Học viện Tài chính. Tài liệu này do thầy cô Khoa Thuế và Hải quan của AOF soạn nền đảm bảo về độ sịn.
Bên cạnh đó mình cũng hay thay gia các nhóm ôn thi, sẽ có nhiều bạn up các bài tập hay câu lý thuyết hay thì mình đều tải về để làm.
À đoạn này mình có một lời khuyên đó là các bạn hãy tự soạn cho mình 1 bộ tài liệu để ôn nhé, thứ mình tự làm ra sẽ dễ học hơn nhiều, trước mình cũng chuyên có 1 quyển vở để ghi chép và giải bài tập á.

Các vòng của kỳ thi công chức Thuế

Kỳ thi thuế có 2 vòng thi chính là vòng 1: Kiến thức chung và tiếng anh và vòng 2: thi viết nghiệp vụ. Ở đoạn này thì mình xin phép thêm 1 vòng nữa là vòng hồ sơ, vì mình thấy đoạn này mất rất nhiều thời gian và làm nhiều người bỏ cuộc.
Đầu tiên, về hồ sơ, tại thời điểm mình thi thì hồ sơ cần có chứng chỉ tin học và chứng chỉ tiếng anh.
Đối với chứng chỉ tin học thì yêu cầu như sau “Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc chứng chỉ tin học Văn phòng, chứng chỉ tin học ứng dụng trình độ A trở lên được cấp trước ngày Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ngày 21/6/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông có hiệu lực (ngày 10/8/2016).” Đợt ấy mình thi tại Đại học Quốc gia Hà Nội để lấy chứng chỉ.
Đối với chúng chỉ tiếng anh thì yêu cầu như sau: “Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 2 (hoặc tương đương) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, hoặc chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên (một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức) cấp trước ngày Thông tư số 20/2019/TT-BGDĐT ngày 26/11/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực (ngày 15/01/2020).” Mình thấy nhiều mọi người và cả mình đều lựa chọn thi Toeic. Tuy nhiên do Covid nên thi Toeic mình gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên do mình vừa ôn thi vừa đi làm nên để đến trung tâm IIG đăng ký thi thì mình phải nghỉ làm. Mình nhớ là mình đã phải đi đi đi lại rất rất nhiều. Lý do chính là do chứng minh thư của mình bị bung góc. Cụ thể, lần đầu tiên tới IIG để đăng ký thì phải đi về do Covid nên để đăng ký thi phải đặt lịch hẹn online trước. Lần thứ hai, mình đã đặt lịch hẹn và đến nhưng vẫn phải ra về thì chứng mình thư bung góc. Lần thứ ba mình đến và cũng phải đi về do chứng minh thư bung góc mình đi ép dẻo lại và không được chấp nhận. Do đó mình phải đi về quê để làm lại căn cước công dân rồi phải đợi khá lâu mới lấy được căn cước công dân. Sau khi có được căn cước công dân mình tới để đăng ký và lần này may đã đăng ký thành công. À có một chú ý, đợt ấy mình đăng ký bàng thẻ sinh viên, tháng 8 hết hạn nên may mình đăng ký vẫn kịp, và cũng thật may khi thẻ sinh viên còn hạn chứ nếu hết hạn thì mình phải về Hải Phòng đăng ký thi do IIG Hà Nội sẽ không cho thí sinh ở Hải Phòng đăng ký thi nếu không phải là sinh viên (Do tại Hải Phòng cũng có địa điểm thi)

Vòng 1: Gồm 2 môn là kiến thức chung và tiếng anh.

Môn Kiến thức chung gồm 60 câu hỏi, thời gian thi 60 phút. Phạm vi kiến thức chung khá rộng bao hàm Hiến pháp, luật cán bộ công chức, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ cấu quốc hội, chính phủ, cơ cấu ngành thuế, tuyên ngôn ngành thuế, luật quản lý thuế. Tuy nói là rộng nhưng với tính chất thi trắc nghiệm nên chỉ cần đọc nhớ, không nhất thiết phải thuộc lòng. Đây là môn thi có tỷ lệ tạch thấp nhất. Chỉ cần đúng 50% là pass
Mông Tiếng Anh gồm 30 câu hỏi, thời gian hi 30 phút. Nội dung thi chủ yếu vào từ vực chuyên ngành, giới từ, các cấu trúc tiếng anh cơ bản,… Đợt mình thi có 3 dạng bài. Dạng 1 điền đáp án đúng vào chỗ trống. Kiểu như: Mr. Chien … a handsome and elegant gentleman A. is B. are C. am D. A or B (Tất nhiên sẽ khó hơn ạ, mình đang ví dụ thôi). Dạng 2 đó là đọc 1 đoạn văn và trả lời câu hỏi (Chỗ này mình có một tips cho các bạn đó là hãy lên Vietnamnews tìm các bài báo về kinh tế, đặc biệt là về thuế để đọc nhé). Dạng 3 là dạng đục lỗ. Nghĩa là đề cho 1 đoạn văn và có nhiều chỗ trống. Bạn cần chọn đáp án đúng (Giống giống dạng 1 á)
Tại vòng thi này, mỗi môn các bạn chỉ cần đúng 50% là pass vòng 1 để sang vòng 2 nhé.

Vòng 2: Thi chuyên ngành (Vòng thi quyết định)

Bài thi chuyên ngành kỳ thi năm 2020 có 4 câu hỏi, 1 câu bài tập (40 điểm) và 3 câu lý thuyết (Mỗi câu 20 điểm).
Thường mình quan sát đề thi các năm thì mỗi 1 câu hỏi sẽ tương ứng với 1 sắc thuế. Ví dụ như đề thi của mình bài tập vào thuế TNDN, câu hỏi lý thuyết vào 3 sắc thuế GTGT, TNCN và Quản lý thuế (Tuy nhiên cũng có năm mình thấy đề thi có tới 2 câu lý thuyết vào luật Quản lý thuế).
Để tiếp tục review mình sẽ chia ra 2 phần: Phần 1 là về 3 câu lý thuyết, phần hai là về bài tập nhé.
Đầu tiên về 3 câu lý thuyết sẽ có 2 dạng chính, đầu tiên là dạng trình bày, nghĩa là các bạn chỉ cần học luật và trình bày theo luật là ok. Ví dụ đề thi mình có câu nêu nguyên tắc kiểm tra thuế, thanh tra thuế thì bạn chỉ cần trình bày nguyên nội dung Điều 107 Luật quản lý thuế số 38 là ok. Dạng thứ 2 là dạng mở, đó là câu hỏi không có hoặc không có sẵn trong luật. Cũng trong năm mình thì có câu hỏi mở là ý nghĩa của biểu thuế TNCN lũy tiến. Với nội dung câu hỏi như này thì các bạn cần phải hiểu mới làm được.
Cơ mà theo cá nhân mình nhìn nhận, các bạn chỉ cần học thuộc luật là đã làm được khoảng 65% 3 câu lý thuyết này rồi, còn nếu muốn cao điểm hơn thì hãy hiểu luật, mà hiểu luật thì lại cả là 1 quá trình dài chứ không phải ngày một ngày hai. Ngoài ra nếu các bạn muốn điểm cao hơn thì có thể đọc thêm các thông tư hướng dẫn nhé.
Về phần bài tập, chỉ có 1 câu hỏi nhưng lại chiến 40 điểm, nghĩa là quyết định 40% bài thi của bạn. Với phần bài tập bạn mà làm sai thì rủi ro bị tách rất cao. Đợt mình thi vào thuế TNDN. Mình làm sai các bạn ạ, xác định sai 1 khoản chi phí không được trừ dẫn đến bài làm sai. May lý thuyết chắc nên gỡ gạc được lại ). Thật sự là mình có ôn thi và biết khá nhiều người. Những người sai bài tập mình thấy ít người pass lắm. Vì vậy khi làm bài tập các bạn phải hết sức cẩn thận và chú ý. Còn 1 điểm nữa đó là bài tập thường yêu cầu giải thích rõ. Ví dụ bài thi về thuế TNDN thì mình cần giải thích rõ tại sao khoản chi chí này được trừ hay không được trừ. Tuy nhiều lúc thấy hơi rắc rối nhưng bạn hãy làm quen với điều đó và khi làm bài hãy trình bày thật chi tiết. Ai cẩn thận hơn thì người đó sẽ có cơ hội cao hơn.

Sau khi thi xong

Sau khi thi xong là 1 quãng thời gian dài chờ đợi
Tháng 11 -12/2020 Thi vòng 1
Tháng 01/2021 Thi vòng 2
Ngày 12/04/2021 Có kết quả kỳ thi vòng 2
Ngày 14/05/2021 Có kết quá sau phúc khảo
Ngày 08/06/2021 Có danh sách trúng tuyển
Khả năng cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ có Quyết định và sau đó sẽ được đi làm.
Với kỳ thi thuế thì đây là một kỳ thi dài hơi. Yếu tố then chốt nhất để thành công với kỳ thi này là chăm chỉ vì lượng kiến thức cần học quá là vô cùng tận, đặc biệt là quản lý thuế. Do vậy nếu muốn trở thành công chức thuế thì hãy bắt đầu sớm và thật quyết tâm.
Đây là một bài viết khá dài, các chắn ai dành thời gian đọc hết bài viết này thì đã rất quyết tâm cho kỳ thi tuyển dụng công chức Thuế. Vì vậy, mình thực tâm mong bài viết này đã mang lại những thông tin bổ ích cho mọi người và chúc mọi người sẽ thật thành công với kỳ thi tuyển dụng công chức thuế.
Và mọi người hãy luôn nhớ rằng đây chỉ là một kỳ thi, chỉ là một cơ hội chứ không phải là tất cả. Tất nhiên trong một kỳ thi sẽ có yếu tố may mắn dù ít hay nhiều. Vì vậy nếu đỗ thì hãy cố cống hiến trí thức cho xứng với danh xưng công chức thuế, còn nếu lỡ trượt thì cũng đừng buồn, có vô vàn cánh cửa khác bạn có thể lựa chọn. Thêm vào đó theo mình biết, có những người thi tới 4, 5 lần mới đỗ á. Quyết thắng nhé!!!!!!!
P/s: Bài viết review mang tính cá nhân nên mọi người tham khảo thôi nhé.

Tham khảo về exit interview của Chiến

 

Biên soạn: Lê Mạnh Chiến – Tư vấn viên

 

Tham khảo thêm kinh nghiệm ôn thi của bạn Lê Phương Trâm – Cựu thành viên của Manabox

Kinh nghiệm ôn thi công chức thuế

 

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Để biết thêm thông tin cụ thể, xin vui lòng liên hệ với các chuyên viên tư vấn.

Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook: https://www.facebook.com/gonnapass.com/

avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page