Kinh nghiệm ôn thi công chức thuế

2277

Kinh nghiệm ôn thi công chức thuế được bạn Lê Phương Trâm – Cựu thành viên của Manabox chia sẻ lại và hi vọng bài viết dưới đây sẽ giúp cho những bạn đang theo nghề có động lực lớn hơn để theo đuổi ước mơ của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Vậy Trâm đã đỗ công chức thuế như thế nào?

 

Hi mọi người, đây có lẽ là bài viết cuối cùng của mình khi còn là nhân viên tư vấn của Manabox bởi mình đã may mắn vượt qua kỳ thi tuyển Công chức thuế vừa qua và sắp tới mình sẽ vào Hồ Chí Minh với một vị trí mới. Bài viết này mình muốn kể cho các bạn nghe về quá trình mình vừa đi làm, vừa ôn thi kỳ thi tuyển công chức thuế như thế nào.

Mình tốt nghiệp chuyên ngành Kiểm toán Học viện Tài chính, với chuyên ngành Kiểm toán thì môn Thuế là môn tự chọn và do chậm chân khi đăng ký tín chỉ nên mình đã không được học môn này ở trường. Quá trình đi thực tập, mình chọn 1 công ty kiểm toán của Hàn Quốc với khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp FDI Hàn. Với đặc điểm của các công ty FDI, ngoài mục đích thông thường của một cuộc kiểm toán là tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính, khách hàng quan tâm nhiều hơn đến việc tuân thủ pháp luật thuế. Khi đấy mình nhận ra việc nắm chắc và vận dụng linh hoạt các quy định về thuế sẽ giúp ích cho việc phát hiện ra các rủi ro để tư vấn cho khách hàng, tối ưu thuế, tăng thêm giá trị cho công ty mình.

Nhưng vì còn hạn chế về mặt kiến thức, mình nhớ là lúc đi check chứng từ mình còn không phân biệt được đâu là hóa đơn đầu vào, đầu ra. Nhưng càng làm mình càng thấy đây là một lĩnh vực rất hay ho nên đã chăm chỉ đọc các thông tư, nghị định liên quan để trau dồi kiến thức. Quá trình vừa làm vừa học mình càng thấy được “vẻ đẹp của thuế” và yêu thích nó hơn.

Kết thúc đợt thực tập cũng là khi có thông tin về đợt tuyển công chức thuế năm 2021, thấy việc trở thành 1 công chức thuế cũng là 1 vị trí công việc tốt, phù hợp với chuyên ngành và công việc mà mình đã làm trong thời gian qua nên mình đã quyết định thử sức.

Thông tin chung về kỳ thi công chức thuế

 

Không giống như kỳ thi đại học hay các kỳ thi lấy chứng chỉ diễn ra theo chu kỳ hàng năm, kỳ thi tuyển vào các cơ quan nhà nước nói chung hay Tổng cục thuế nói riêng chỉ tổ chức căn cứ vào nhu cầu cần bổ sung nhân lực của cơ quan đó để xây dựng kế hoạch tuyển dụng.

Với kỳ thi năm 2021 chưa thành công thì đây là lần thứ 2 mình đi thi và sau 2 năm đèn sách, may mắn mình đã đạt kết quả là đỗ vào Cục thuế Hồ Chí Minh

Vì vậy, đối với những bạn có ước mơ trở thành công chức thuế, việc nắm bắt thông tin và lên kế hoạch ôn thi kỹ lưỡng là rất quan trọng. Bởi thời gian từ khi có thông báo đến lúc hoàn thành đợt thi chỉ khoảng tầm 4-5 tháng mà thôi.

Nội dung kỳ thi

Kỳ thi sẽ bao gồm 2 vòng:

Vòng 1: Môn kiến thức chung và tiếng anh

Vòng 2: Nghiệp vụ chuyên ngành thuế

Đối với năm 2022, do tình hình Covid phức tạp nên có thêm 1 vòng nữa là vòng test Covid. Mình cũng phải rất cố gắng giữ gìn sức khỏe để an toàn pass qua vòng này đó.

Vòng 1: Môn kiến thức chung và tiếng anh

Vòng 1 thi theo hình thức trắc nghiệm và nếu vượt qua 50% số câu hỏi thì sẽ đủ điều kiện để thi tiếp vòng 2

Với kiến thức chung mình thấy nội dung khá rộng, sẽ bao gồm các câu hỏi liên quan đến hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước; công chức, công vụ; chính sách pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; chức trách, nhiệm vụ của công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển,..v.v.

Phần thi Tiếng Anh,độ khó tùy theo ngạch mà các bạn đăng ký dự tuyển.

Theo mình thấy thì độ khó của 2 môn ở Vòng 1 tùy thuộc vào từng năm, sẽ có 1 môn thi khó hơn môn còn lại và là môn quyết định để lọc thí sinh ở vòng này. Như năm 2020, môn tiếng Anh sẽ khó hơn môn kiến thức chung, còn năm 2021 sẽ là ngược lại.

Năm 2020, do lợi thế là mình vừa ra trường và kỳ thi diễn ra đúng lúc mình kết thúc đợt thực tập nên mình có nhiều thời gian để ôn thi hơn. Cách học của mình là đọc hiểu lý thuyết, đối với các văn bản luật sửa đổi và có nhiều điểm thay đổi so với luật cũ thì mình in ra giấy, highlight và note các điểm mới vào. Bởi vì câu hỏi sẽ có thể hỏi nội dung trong cả luật mới và luật cũ, nếu không để ý sẽ rất dễ làm sai.

Mình khuyên là các bạn muốn tiết kiệm thời gian thì có thể đăng ký học ôn và chọn các thầy cô có kinh nghiệm giảng dạy. Mình có đăng ký học ôn lớp của thầy Trường 2 môn là kiến thức chung và Thuế. May mắn là cô giáo dạy môn kiến thức chung của mình dạy cách thức suy luận khi làm trắc nghiệm chứ không dạy theo hướng học thuộc luật. Việc này giúp ích cho mình trong đợt thi năm 2021 bởi thời gian học ít ỏi vì mình phải vừa đi làm vừa ôn thi, đề thi có nhiều luật mới mà mình chưa từng đọc qua nhưng áp dụng cách suy luận thì vẫn có thể chọn được đáp án đúng.

Ngoài ra với các dạng câu hỏi phải nhớ nhiều như là hỏi về số lượng, ngày tháng hay các nguyên tắc thì mình ôn qua app ôn thi trắc nghiệm và câu “thần chú”. Mùa thi công chức đến thì các group ôn thi trên Facebook, Zalo hoạt động rất rộn ràng và chia sẻ nhiều về các bí kíp ôn thi sáng tạo. Trong đó, mình thấy việc sử dụng app do các anh chị từng hoặc đang là thí sinh dự thi công chức tạo ra, hoặc một đoạn luật dài được phổ thành 1 câu “thần chú” rất dễ nhớ. Với thời gian gấp gáp, thậm chí trước ngày thi mình chỉ ngó qua các câu “thần chú” này là có thể nắm được vài đoạn luật và dễ dàng để vượt qua Vòng 1 an toàn.

Với môn thi Tiếng Anh thì theo thông báo nội dung đề thi tương đương với trình độ bậc 2, bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam nhưng bản thân mình thấy đề thi cũng khá dễ thở. Trước  kỳ thi mình có ôn trong quyển Mai Lan Hương và làm thêm vài đề tiếng anh trình độ bậc 2.

Vòng 1 là vòng điều kiện nhưng cuộc đời nở hoa hay không thì do Vòng 2 quyết định. Vòng này mình vẫn đề cao cách học hiểu bản chất hơn là học thuộc lòng, bởi vì đề thi có phần bài tập nên việc hiểu rõ bản chất câu luật sẽ rất quan trọng bởi nếu làm sai 1 ý thì dẫn đến phần bài làm sau đó sẽ sai luôn hoặc chỉ vớt vát được 1 ít điểm mà thôi.

 

Vòng 2: Nghiệp vụ chuyên ngành thuế

Nội dung Vòng 2 sẽ bao gồm 4 luật là Luật thuế GTGT, Luật thuế TNDN, Luật thuế TNCN và Luật Quản lý thuế. Quá trình ôn thi mình kết hợp xem kẽ giữa việc làm bài tập và học thuộc luật. Bởi vì chấm điểm theo barem nên để đạt điểm cao thì phải đảm bảo nêu đủ ý của câu hỏi đó. Văn bản bao quát nhất là Luật, sau đó là các Nghị định và thông tư hướng dẫn. Là một tờ giấy gần như là trắng khi mới ra trường, mình tiếp cận bằng cách đọc lướt nhanh nội dung các chương và điều của văn bản Luật đó để nắm được nội dung bao quát và vì thấy các văn bản Luật này không quá dài nên mình đã học thuộc lòng luôn. Sau đó thì mới đọc đến các nghị định và thông tư để hiểu và làm bài tập. Việc làm bài tập, xem đáp án, thấy lỗi sai thì mình tra lại thông tư và rút kinh nghiệm. Lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy sẽ giúp mình vừa nhớ luật vừa rèn luyện được kỹ năng làm bài tập.

Ngoài việc có kế hoạch ôn thi khoa học thì việc chọn đơn vị thi tuyển cũng là một bước quan trọng mà các bạn nên tính toán kỹ lưỡng. Thường thì mình thấy khu vực phía Bắc điểm sẽ cao hơn khu vực phía Nam. Với thời gian học không có nhiều và ngành Thuế là ngành mình yêu thích, mình đặt mục tiêu là vượt qua kỳ thi với số điểm đủ đỗ nên mình đã chọn Cục thuế Hồ Chí Minh.

Bản thân mình thấy việc ôn thi công chức là một quá trình cần sự chăm chỉ và nỗ lực rất nhiều, và càng tuyệt vời hơn nếu vị trí công việc đó lại thuộc đúng lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi. Với tâm thế thoải mái mình cảm thấy việc học không còn khô khan mà mình được chill trong mớ văn bản Luật đó.

Bên cạnh đó, mình rất cảm ơn quá trình làm việc tại Manabox với vai trò là một nhân viên tư vấn thuế. Với văn hóa luôn khuyến khích nhân viên học hỏi, việc trả lời các câu tư vấn và hạch toán sổ sách kế toán tạo động lực cho mình tìm tòi và hiểu sâu hơn về thuế, bổ trợ rất nhiều cho quá trình ôn luyện của mình.

Tham khảo một số Bài viết của Trâm trên Gonnapass

Thuế đối với giao dịch tiền ảo ở Việt Nam

Chi phí tiền lương Covid được trừ không?

Biên soạn: Lê Phương Trâm – Tư vấn viên

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Để biết thêm thông tin cụ thể, xin vui lòng liên hệ với các chuyên viên tư vấn.

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040

 

avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page