Giải đáp vướng mắc thuế – Tổng Cục thuế ngày 27/9 (Hóa đơn)

309

Tổng Cục thuế đã hỗ trợ giải đáp vướng mắc thuế ngày 27/9 về rất nhiều điểm mới cần quan tâm của chính sách thuế. Tham khảo bản tin dưới đây Tổng Cục Thuế trả lời về hóa đơn

Vướng mắc hóa đơn và giải đáp

3.1. Áp dụng QLRR đối với HĐĐT 
Câu 1:
– Câu hỏi: “Công ty chúng tôi chuyên sản xuất lắp đặt các Trụ Bơm xăng dầu điện tử. Thành phẩm cty chúng tôi bao gồm vật tư và phần mềm cài đặt (chủ yếu là thuê nhân công IT ngoài – Công ty có khấu trừ thuế TNCN đầy đủ). Và phần vật tư linh kiện điện tử, thiết bị lắp ráp hầu như nhập khẩu từ nước ngoài có tờ khai hải quan đầy đủ. Nhưng hiện nay trên hệ thống hoá đơn điện tử của TCT không cập nhật giá trị hàng hoá của những tờ khai hải quan. Điều này dẫn đến sự chênh lệch giá trị hàng tồn kho rất lớn giữa sổ sách thực tế với số liệu trên hệ thống HĐĐT của TCT.
Điều này dẫn đến mỗi khi xuất hoá đơn bán ra tất cả hoá đơn điều bị cảnh báo rủi ro và gửi mail cảnh báo hoá đơn Công ty Nam Dương là hóa đơn rủi ro. Làm cho Khách hàng của Công ty hoang mang chậm thanh toán. Điều này gây khó khăn cho việc kinh doanh của Công ty rất lớn.”
– Trả lời:
Ứng dụng cảnh báo HĐĐT cập nhật giá trị hàng hóa nhập khẩu trên chỉ tiêu 23a tờ khai thuế GTGT. Trường hợp NNT chưa kê khai đầy đủ giá trị hàng hóa nhập khẩu trên tờ khai thuế GTGT, NNT cần kê khai bổ sung, liên hệ với công chức thuế để cung cấp thông tin, giá trị hàng hóa nhập khẩu theo thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 100 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, khoản d Điều 29 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cơ quan thuế công khai thông tin người nộp thuế trong trường hợp NNT không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật như: Từ chối không cung cấp thông tin tài liệu cho cơ quan quản lý thuế, không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra và các yêu cầu khác của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, qua đây Tổng cục Thuế đề nghị cơ quan thuế và công chức quản lý NNT kịp thời thực hiện quy trình kiểm tra xác minh thông tin NNT. Đề nghị NNT liên hệ với công chức quản lý tại CCT Tp. Thủ Đức để được hướng dẫn theo quy định của Pháp luật.
3.2. Đăng nhập vào Hệ thống hóa đơn điện tử của CQT (01 câu)
Câu 1:
– Câu hỏi:
Tài khoản đăng nhập vào trang web Hệ thống hóa đơn điện tử của CQ Thuế
– Đơn vị có chi nhánh phụ thuộc cùng tỉnh với trụ sở chính (Hồ Chí Minh). Chi nhánh Hồ Chí Minh không đăng ký sử dụng hóa đơn, không kê khai, nộp thuế riêng mà trụ sở chính sẽ thực hiện .
– Chi nhánh Hồ Chí Minh không được cấp tài khoản đăng nhập Hệ thống Hóa đơn điện tử.
=> Dẫn đến, Đơn vị không thể kiểm tra được thông tin Hóa đơn ghi nhận trên Hệ thống của CQ Thuế của chi nhánh này.
– Trả lời:
Khi đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, đơn vị được cấp tài khoản để tra cứu các thông tin liên quan tới hóa đơn mua vào/bán ra của đơn vị mình trên hệ thống hóa đơn điện tử. Đối với đề xuất tra cứu thông tin của đơn vị phụ thuộc, Tổng cục Thuế đã ghi nhận và sửa đổi quy định tại Điều 47. Hình thức khai thác, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Nghị định số 123 quy định về hoá đơn chứng từ. Khi Nghị định ban hành, Tổng cục Thuế sẽ nâng cấp hệ thống để cấp tài khoản tra cứu đối với đơn vị phụ thuộc.
3.3. Hóa đơn chiết khấu (01 câu)
Câu 1: 
– Câu hỏi:
Hóa đơn chiết khấu hiện tại là 1 trong các nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giữa dữ liệu của Cơ quan Thuế và Tờ khai của Đơn vị khi giải trình hàng tháng với CQ Thuế phụ trách. Cụ thể :
– Hệ thống hóa đơn điện tử của CQ Thuế : Trạng thái hóa đơn là Hóa đơn mới, giá trị thành tiền là số dương (+)
– Tờ khai của Đơn vị : Do là hóa đơn chiết khấu nên đơn vị sẽ kê khai giảm trừ các chỉ tiêu giá trị hàng hóa, số thuế GTGT trên tờ khai
– Trả lời:
– Đối với trường hợp hóa đơn ghi thông tin chiết khấu cho các hóa đơn khác, đơn vị áp dụng hóa đơn điều chỉnh và ghi số tiền đúng với thực tế điều chỉnh (ghi số âm). Trường hợp đơn vị lập hóa đơn mới với số tiền + hệ thống sẽ tự xác định đó là số phát sinh tăng.
3.4. Tra cứu Thông báo hóa đơn sai sót (01 câu)
Câu 1:
– Câu hỏi:
Tra cứu thông báo sai sót mẫu 01/TB-SSĐT hoặc 01/HĐSS
Hiện tại, khi thực hiện tra cứu TNSS cho 1 hóa đơn cụ thể, Đơn vị chỉ có thể thực hiện tra cứu theo ngày lập và tìm thủ công mở từng thông báo để tìm thông tin hóa đơn => Việc này gây tốn rất nhiều thời gian và công sức
– Trả lời:
Với các thông tin hóa đơn có sai sót, hệ thống hóa đơn điện tử đã cập nhật các thông tin liên quan theo từng hóa đơn theo thông tin hoá đơn điều chỉnh của đơn vị. Khi thực hiện tra cứu thông tin hóa đơn có sai sót của 1 hóa đơn cụ thể trên Cổng thông tin hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế, đơn vị thực hiện chức năng tra cứu hóa đơn và nhấn vào thông tin hóa đơn liên quan tại màn hình kết quả tra cứu. Khi đó màn hình kết quả sẽ hiển thị các hoá đơn điều chỉnh cho hoá đơn đó bao gồm cả hoá đơn thay thế và hoá đơn điều chỉnh.
3.5. Dữ liệu hóa đơn điện tử (01 câu)
Câu 1:
– Câu hỏi:
Từ tháng 07/2024 trên phân hệ thuế của phần mềm Amis Misa ở tờ khai thuế GTGT có xuất hiện chênh lệch bảng kê bán ra với dữ liệu hóa đơn trên Tổng Cục Thuế, sau khi kiểm tra thì thấy chênh lệch là do có 1 số hóa đơn trên dữ liệu Tổng Cục Thuế chỉ ra tiền USD k ra tiền quy đổi thành VND nên dẫn đến chênh lệch (mặc dù những hóa đơn này Doanh Nghiệp vẫn xuất quy trình như các hóa đơn khác). Vậy phải xử lý như thế nào ạ?
– Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2, mục II phần II ban hành kèm theo quyết định số 1450/QĐ-TCT quy định về định dạng dữ liệu hóa đơn, trong đó có quy định về thẻ TGia (tỷ giá). Hệ thống hóa đơn điện tử tại Cơ quan thuế khi nhận được các hoá đơn có thẻ TGia có giá trị không phải là 1 sẽ quy đổi từ ngoại tệ ra tiền VND trước khi so sánh số liệu trên hóa đơn điện tử và số liệu trên tờ khai. Do doanh nghiệp đang dùng giải pháp HĐĐT của nhà cung cấp Misa, vì vậy đề nghị đơn vị trao đổi trực tiếp với nhà cung cấp Misa về nội dung này để chỉnh sửa giải pháp. Tổng cục Thuế cũng sẽ cung cấp thông tin để Misa kiểm tra các trường hợp tương tự đối với hoá đơn ngoại tệ.
3.6. Hóa đơn đối với ủy thác xuất khẩu (01 câu)
Câu 1:
– Câu hỏi:
Bên nhận Ủy thác nhập khẩu có phải kê khai Hóa đơn xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác trên tờ khai thuế giá trị gia tăng không?
– Trả lời:
Căn cứ quy định tại khoản 3a Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, nếu cơ sở kinh doanh nhận nhập khẩu ủy thác đã nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu thì sử dụng hóa đơn điện tử khi trả hàng cho cơ sở kinh doanh ủy thác nhập khẩu và thực hiện khai bổ sung đối với hóa đơn trả lại hàng theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2022 của Chính phủ quy định về khai bổ sung hồ sơ khai thuế; Nếu chưa nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, khi xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác, cơ sở nhận ủy thác lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường.
3.7. Lập chung hoá đơn cho nhiều người mua hàng không lấy hoá đơn (01 câu)
 Câu 1:
– Câu hỏi:
Xuất hoá đơn quà tặng bánh trung thu,  số lượng công nhân viên và khách hàng rất lớn, họ không có nhu cầu lấy hoá đơn, họ cũng không cũng cấp thông tin xuất hoá đơn, doanh nghiệp có được xuất chung hoá đơn cho người mua hàng không lấy hoá đơn không? Không cung cấp thông tin xuất hóa đơn không?
– Trả lời:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ: khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua, việc lập hóa đơn bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ. Do đó, khi doanh nghiệp tặng bánh trung thu cho người lao động thì đều phải xuất hóa đơn như việc bán hàng bình thường.
Đối với vướng mắc của NNT, Tổng cục Thuế đã tổng hợp báo cáo BTC trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP, dự kiến sửa đổi, bổ sung như sau:
“Trường hợp khuyến mại hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về thương mại; cho, biếu, tặng hàng hóa, dịch vụ phù hợp với quy định pháp luật, thì được lập hóa đơn tổng giá trị khuyến mại, cho, biếu, tặng kèm theo danh sách khuyến mại, cho, biếu, tặng. Tổ chức lưu giữ hồ sơ có liên quan về chương trình khuyến mại, cho, biếu, tặng và cung cấp khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác nội dung thông tin giao dịch và cung cấp bảng tổng hợp chi tiết hàng hóa, dịch vụ khi cơ quan chức năng yêu cầu. Trường hợp khách hàng yêu cầu lấy hóa đơn theo từng giao dịch thì người bán phải lập hóa đơn giao cho khách hàng.”
3.8. Lập hóa đơn đối với hoạt động chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi (01 câu)
 Câu 1:
– Câu hỏi:
Doanh nghiệp có mua Chứng chỉ tiền gửi thông qua ngân hàng và nhận được hoá đơn mua vào của Tổ chức phát hành chứng chỉ tiền gửi. Vậy khi đến hạn, Doanh nghiệp nhượng bán lại chứng chỉ tiền gửi này cho chính tổ chức tín dụng ban đầu khi mua thì DN xuất hoá đơn với cả trị giá gốc và lãi nhận được hay sao ạ?
– Trả lời:
Ngày 06/9/2024, Tổng cục Thuế có công văn số 3936/TCT-CS trả lời Cục Thuế thành phố Hải Phòng về thuế GTGT.
Căn cứ Điều 2 Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội, hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024;
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ;
Căn cứ khoản 8 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC) hướng dẫn về đối tượng không chịu thuế GTGT;
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT;
Căn cứ Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế suất 10%;
Căn cứ khoản 6 Điều 7 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính) hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 16/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;
Liên quan đến nội dung Cục Thuế thành phố Hải Phòng hỏi, ngày 22/8/2024, Ngân hàng Nhà nước có công văn số 7037/NHNN-TCKT gửi Tổng cục Thuế như sau:
“Hoạt động chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi giữa hai doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng (TCTD), không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng về cấp tín dụng, chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Do vậy, đề nghị Bộ Tài chính căn cứ vào quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để xác định hoạt động chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi của các doanh nghiệp này.”
Câu hỏi của doanh nghiệp chưa rõ hợp đồng giao dịch chứng chỉ tiền gửi của doanh nghiệp có các điều, khoản quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên. Đề nghị doanh nghiệp căn cứ quy định pháp luật về thuế GTGT nêu trên và hợp đồng mua, bán chứng chỉ tiền gửi để xác định trường hợp giữa các doanh nghiệp (không phải là tổ chức tín dụng) có phát sinh hoạt động giao dịch chứng chỉ tiền gửi thì không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Các tổ chức tín dụng, không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản 8 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
3.9. Kê khai hóa đơn đầu vào (02 câu)
 Câu 1: 
– Câu hỏi:
Hoá đơn GTGT mua vào Doanh nghiệp có được kê khai sau ngày, tháng ký hoá đơn ko ạ?
– Trả lời:
 Người mua thực hiện kê khai thuế GTGT đối với hóa đơn mua vào tại thời điếm nhận hóa đơn đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định sô 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Số thuế GTGT đầu vào trên hóa đơn GTGT được kê khai theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Luật số 31/2013/QH13.
Câu 2: 
– Câu hỏi:
1. Hiện tại các Cục Thuế thông báo đến doanh nghiệp là kê khai hóa đơn đầu vào dịch vụ – hàng hóa đầu vào đúng kỳ của ngày hóa đơn. Khó khăn của doanh nghiệp:
+ Doanh nghiệp có giao dịch hằng ngày rất nhiều. Các hồ sơ thanh toán thường trong vòng 45 ngày. Trong thời gian xét duyệt hồ sơ thanh toán phát sinh nhiều trường hợp sai sót về hóa đơn.
+ Rất nhiều giao dịch tạm ứng mua hàng quyết toán chậm, hoặc không quyết toán, hoặc không được duyệt => rất nhiều hóa đơn có trên trang thuế nhưng không xác định được hồ sơ thanh toán.
=> Nếu kê khai đúng kỳ ngày hóa đơn thì doanh nghiệp phải kê khai, bổ sung báo cáo thuế rất nhiều lần, tốn rất nhiều thời gian. Vậy doanh nghiệp có thể kê khai hóa đơn đầu vào vào kỳ phát hiện sai sót như trước đây?
– Trả lời:
Về việc kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào:
Tại khoản 6 Điều 1 Luật số 31/2013/QH13 quy định như sau: “đ) Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế”.        Tại Khoản 8 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:  “8. Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.”
Căn cứ hướng dẫn trên: Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó.  Trường hợp doanh nghiệp phát hiện hóa đơn đầu vào của các kỳ khai thuế trước chưa kê khai thì thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13 nêu trên.
3.10. Biên bản thỏa thuận giữa người mua và người bán khi hóa đơn sai sót (01 câu)
Câu 1:
– Câu hỏi:
Khi lập Hoá đơn điều chỉnh, hoá đơn thay thế thì người bán không cần lập Biên bản thoả thuận sai sót mà chỉ cần thoả thuận qua email, điện thoại với người mua trước khi thống nhất điều chỉnh hoặc thay thế hoá đơn thì có được không ạ?
– Trả lời:
Tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/ND-CP quy định: Trường hợp lập hóa đơn điều chỉnh/thay thế nếu người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh/thay thế thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh/thay thế hóa đơn đã lập có sai sót. Bản thỏa thuận qua email hoặc qua điện thoại do người mua, người bán tự thỏa thuận.
3.11. Xử lý hóa đơn sai sót (1 câu)
 Câu 1: 
– Câu hỏi: Vướng mắc phát sinh khi xử lý hóa đơn điện tử có sai sót: Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về xử lý hoá đơn điện tử có sai sót tuy nhiên chưa thực hiện được việc lập 1 hoá đơn điều chỉnh/thay thế cho nhiều hoá đơn sai sót của cùng một người mua hàng. Từ đó dẫn đến việc nhận hoá đơn của các đối tác khách hàng cũng bị ảnh hưởng, thủ tục hành chính về hoá đơn, kê khai thuế, đối chiếu giữa hệ thống hoá đơn điện tử và tờ khai thuế GTGT hàng tháng gặp nhiều khó khăn.
– Trả lời: Theo hướng dẫn tại Quyết định số 1450/QĐ-TCT của Tổng cục trưởng TCT quy định về định dạng chuẩn hóa đơn điện tử thì 01 hóa đơn được thay thế/ điều chỉnh cho 01 hóa đơn.
Về vướng mắc của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
3.12. Hóa đơn đối với trường hợp trả lại hàng hóa (02 câu)
 Câu 1:
– Câu hỏi:
Công ty chúng tôi là doanh nghiệp FDI (non-EPE) có mua hàng hóa từ nhà cung cấp nước ngoài theo loại hình A41 và bán cho khách hàng là doanh nghiệp chế xuất (EPE) theo loại hình B11. Trong quá trình sản xuất, khách hàng EPE phát hiện 1 phần nguyên liệu bị lỗi nên yêu cầu xuất trả lượng nguyên liệu này (chưa gia công, chế biến) cho chúng tôi. Nhận hàng hư/hỏng từ khách hàng EPE: Việc xuất hóa đơn để nhập hàng bị trả lại từ khách hàng EPE: Theo quy định tại nghị định 123/2020/NĐ-CP và TT 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021:Bên mua hàng (EPE): sẽ xuất hóa đơn bán hàng/ hóa đơn GTGT (số dương) để hàng hư cho người bán đúng không? Nếu đúng, đơn giá trên hóa đơn xuất trả hàng chính là đơn giá đầu vào của hóa đơn mua hàng ban đầu? Đơn giá này được quy định ở nghị định, thông tư hướng dẫn nào? Bên bán hàng (công ty chúng tôi): có cần phải xuất hóa đơn song song để ghi nhận giảm doanh thu hay không hay chỉ cần dùng hóa đơn xuất trả của bên mua hàng (EPE) ở mục trên đề hạch toán giảm doanh thu theo như thông báo và công văn hướng dẫn của Cục Thuế TP HCM (8625/TB-CTTPHCM ngày 01/06/2022 và 7589/CTTPHCM-TTHT)?
– Trả lời:
Về hóa đơn hàng bán trả lại của DNCX Đối với trường hợp doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan mua hàng hóa từ doanh nghiệp nội địa, hai bên đã làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thì khi trả lại hàng hóa, doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thực hiện lập hóa đơn giao cho doanh nghiệp nội địa, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” theo hướng dẫn tại công văn số 13870/BTC-TCHQ ngày 18/12/2023 của BTC.DNCX, DN trong khu phi thuế quan căn cứ thực tế giá trị, số lượng hàng hóa trả lại để lập hóa đơn giao cho doanh ghiệp nội địa.  Theo quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC và Thông tư số 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp thì đối với doanh nghiệp nội địa khi nhận hàng bán bị trả lại thì DN thực hiện ghi giảm doanh thu.
Câu 2:
– Câu hỏi:
Doanh nghiệp có kênh bán lẻ và đại lý. Việc đổi trả hàng trong chính sách kinh doanh của doanh nghiệp nên số lượng phát sinh lớn và hằng ngày. Tuy nhiên khách hàng là cá nhân, hộ kinh doanh cá thể không thể xuất hóa đơn trả hàng được. Vậy có giải pháp nào cho doanh nghiệp trong trường hợp này để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện không?
– Trả lời:
Về việc xuất hóa đơn trả lại hàng:
Tổng cục Thuế đã có công văn số 4511/TCT-CS ngày 11/10/2023 hướng dẫn, theo đó đối với các giao dịch mua bán hàng hóa trong nội địa không cần làm thủ tục hải quan thì khi phát sinh trả lại hàng hóa, người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh giảm các hóa đơn đã lập.
3.13. Thời điểm lập hóa đơn (06 câu)
Câu 1: 
– Câu hỏi:
Thời điểm xuất hóa đơn giá trị gia tăng ghi nhận doanh thu cho hàng hóa xuất khẩu:
Tại điểm c, khoản 3, Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020
c) Cơ sở kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn GTGT điện tử. Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, cơ sở sử dụng Phiếu xuất kho kiểm vận chuyển nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, cơ sở lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu. Vậy thời điểm làm xong thủ tục xuất khẩu quy định ở trên: – Thời điểm thông quan tờ khai xuất khẩu có đúng không? Vậy việc lập hóa đơn cho hàng xuất khẩu là cùng ngày hoặc sau ngày (miễn là trong tháng phát sinh thì vẫn được ghi nhận là đúng) hay sao? – Trong thời gian vừa qua, sự cố mạng hải quan thường xuyên bị nghẽn mạch dẫn đến doanh nghiệp không thể lấy thông tin trên hệ thống ECUS cũng như trên trang Web của hải quan. Nếu tờ khai xuất khẩu được thông quan trong khoảng thời gian làm việc của công ty (từ 7h30 đến 16h30) nhưng tới tận hôm sau, hôm sau nữa hoặc rơi vào thời điểm cuối tuần thì sang đầu tuần, công ty chúng tôi mới lấy được phản hồi của Hải quan trên hệ thống và sau đó mới có thể chuyển tờ khai xuất khẩu cho kế toán xuất hóa đơn VAT- thì trường hợp này có bị tính là lập hóa đơn ghi nhận doanh thu muộn so với quy định hay ko? Nếu được, đề nghị Tổng cục Thuế khi làm dự thảo sửa đổi nghị định 123/2020/NĐ-CP, thì quy định chi tiết hơn để doanh nghiệp chúng tôi cũng như quý doanh nghiệp nói chung dễ thực hiện.
– Trả lời:
Về thời điểm lập hóa đơn GTGT điện tử cho hàng xuất khẩu   Tại điểm c, khoản 3, Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ quy định: c) Cơ sở kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn GTGT điện tử. Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, cơ sở sử dụng Phiếu xuất kho kiểm vận chuyển nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, cơ sở lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu. Căn cứ các quy định nêu trên, cơ sở kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) thì sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, cơ sở lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Trường hợp cơ sở kinh doanh lập hóa đơn điện tử cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo quy định trên không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm. TCT đã báo cáo BTC để báo cáo CP quy định rõ thời điểm lập HĐĐT cho hàng hóa xuất khẩu tại dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung NĐ số 123/2020/NĐ-CP.
Câu 2:
– Câu hỏi: Công ty em có làm 1 hợp đồng tư vấn thiết kế với đơn vị Nhà nước. Hợp đồng ngày 10/4/2024, trong hợp đồng ghi hoàn thành trong 30 ngày. Tuy nhiên đến 01/8/2024 mới có quyết định nghiệm thu. Vậy thời điểm xuất hóa đơn là ngày nào
– Trả lời:
Khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:
“2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).”
Trường hợp Công ty cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền hoặc thời điểm hoàn thành cung cấp dịch vụ. Công ty cần xác định rõ ngày hoàn thành việc cung cấp dịch vụ là ngày 10/5/2024 (30 ngày sau khi ký hợp đồng như đã thỏa thuận tại hợp đồng) hay ngày 01/8/2024 để lập hóa đơn theo quy định trên.
Câu 3: 
– Câu hỏi: Thu trước tiền dịch vụ hỗ trợ công nghệ thông tin (thu trước cho nhiều năm), ví dụ thời gian dịch vụ đó từ ngày 1/9/2024 đến 31/12/2025 thì tại thời điểm tháng 9/2024 xuất hóa đơn có được hưởng giảm thuế suất 8% không? Hay phải xuất hóa đơn chia làm 2 thời điểm: từ 1/9/2024 đến 12/2024 là 8% và từ 1/1/2025 đến 31/12/2025 là 10%
– Trả lời:
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về thời điểm lập hóa đơn đối với trường hợp thu tiền trước khi cung cấp dịch vụ: “2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).”
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC về thời điểm xác định thuế suất thuế GTGT: “2. Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.”
Căn cứ Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế GTGT trong thời gian từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Công ty cung cấp dịch vụ có thu tiền trước cho kỳ dịch vụ và lập hóa đơn GTGT tại thời điểm thu tiền trước khi cung cấp dịch vụ thì xác định thuế GTGT tại thời điểm lập hóa đơn (và là thời điểm thu tiền).
Câu 4: 
– Câu hỏi: Hóa đơn mua vào ngày lập là 31/07/2024 nhưng ngày ký thề hiện trên hóa đơn là ngày 02/08/2024 thì hóa đơn có được coi là hóa đơn hợp lệ hay không? Nếu hợp lệ, vậy người mua có được kê khai khấu trừ vào kỳ tháng 7 không?
– Trả lời: Căn cứ quy định tại Điều 14 Luật thuế giá trị gia tăng 2008; Điều 5, điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ; Căn cứ Điều 8, khoản 1 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngàv 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ; Căn cứ khoản 7 Điều 3, Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; Căn cứ quy định tại Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 7/10/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; Trường hợp hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì nếu thời điểm ký số trên hóa đơn phát sinh cùng thời điếm hoặc sau thời điểm lập hóa đơn thì hóa đon điện tứ đã lập vẫn được xác định là hóa đơn hợp lệ: Người bán thực hiện kê khai nộp thuế GTGT theo thời điểm lập hóa đơn; Người mua thực hiện kê khai thuế tại thời điểm nhận hóa đơn đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định sô 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Câu 5: 
– Câu hỏi: Theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, thời điểm lập hóa đơn giá trị gia tăng điện tử cho hàng hóa xuất khẩu sau khi làm xong thủ tục xuất khẩu cho hàng hóa xuất khẩu là ngày thông quan hay ngày qua khu vực giám sát?
– Trả lời: Tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:
“c) Cơ sở kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng điện tử.Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, cơ sở sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, cơ sở lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.”Tại khoản 4 Điều 16 Thông tư số 219/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) hướng dẫn:“Ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.”Tại khoản 21 Điều 4 luật Hải quan quy định:
“21. Thông quan là việc hoàn thành các thủ tục hải quan để hàng hóa được nhập khẩu, xuất khẩu hoặc đặt dưới chế độ quản lý nghiệp vụ hải quan khác.” Căn cứ các quy định, hướng dẫn nêu trên, thời điểm lập hóa đơn điện tử cho hàng hóa xuất khẩu là thời điểm xác nhận doanh thu xuất khẩu để tính thuế, tức là ngày hoàn thành thủ tục hải quan để hàng hóa được xuất khẩu (ngày thông quan)
Câu 6: 
– Câu hỏi:
Phát hành hóa đơn taxi trong trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng thanh toán cuối tháng.
Hiện tại theo quy định của Thông tư 78/2021/TT-BTC, doanh nghiệp taxi phải phát hành hóa đơn sau mỗi cuốc xe, điều này làm phát sinh số lượng hàng hóa phải kiểm tra cho các công ty. Đề nghị cho phép doanh nghiệp taxi được xuất một tờ hóa đơn sau khi đã đối chiếu doanh số với công ty. Điều này sẽ giúp làm giảm thời gian kiểm tra đối chiếu hóa đơn giữa hai công ty.
– Trả lời:
Căn cứ điểm m khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định thời điểm lập hóa đơn đối với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Đề nghị Công ty căn cứ quy định pháp luật nêu trên để thực hiện theo quy định./.
3.14. Cách viết trên hóa đơn chiết khấu (01 câu)
Câu 1:
– Câu hỏi: Theo QĐ1450/QĐ-TCT thì số tiền chiết khấu trên hóa đơn thể hiện giá trị dương và hệ thống hóa đơn điện tử sẽ tự động ghi giảm số tiền chiết khấu. Vậy khi xuất hóa đơn chiết khấu, các dòng chi tiết cty xuất số dương và dòng tổng cộng có phải thể hiện số âm để truyền dữ liệu lên cơ quan thuế là số âm không? Hay dòng tổng cộng trên hóa đơn vẫn thể hiện là số dương và hệ thống điện tử của thuế sẽ tự động ghi giảm số tiền chiết khấu này ạ?
– Trả lời: Theo Quyết định số 1450/QĐ-TCT, trường hợp có chiết khấu, tại thẻ HDon\DLHDon\NDHDon\DSHHDVu\HHDVu, đơn vị có thể lựa chọn thẻ TChat có giá trị là 3 – Chiết khấu thương mại (trong trường hợp muốn thể hiện thông tin chiết khấu theo dòng). Khi đó, số tiền chiết khấu thể hiển là số dương, hệ thống hóa đơn điện tử tự động ghi giảm số tiền chiết khấu. Khi áp dụng phương án này, tổng số tiền thanh toán trên hóa đơn không được là số âm. Đối với trường hợp, hóa đơn không có thông tin hàng hóa dịch vụ mà chỉ có thông tin chiết khấu, đơn vị áp dụng hóa đơn điều chỉnh và ghi số tiền đúng với thực tế điều chỉnh (ghi số âm)./.
Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page