Hiệp định tránh đánh thuế hai lần – Kiến thức cơ bản (Có ví dụ)

7420

Hiệp định tránh đánh thuế hai lần – Kiến thức cơ bản là bài viết tóm tắt một số nguyên tắc cơ bản của việc áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ở Việt Nam.

Mục tiêu cơ bản

Tránh đánh thuế hai lần giữa các Quốc gia

Trích từ điển khái niệm của OECD 

DOUBLE TAXATION, DOMESTIC AND INTERNATIONAL  — Domestic double taxation arises when comparable taxes are imposed within a federal state by sovereign tax jurisdictions of equal rank. International double taxation arises when comparable taxes are imposed in two or more states on the same taxpayer in respect of the same taxable income or capital, e.g. where income is taxable in the source country and in the country of residence of the recipient of such income.

TAX TREATY  — An agreement between two (or more) countries for the avoidance of double taxation. A tax treaty may be titled a Convention, Treaty or Agreement.

Nguyên tắc áp dụng

  • > Hiệp định có giá trị áp dụng cao hơn điều luật riêng của từng quốc gia tham gia vào Hiệp định
  • > Hiệp định không tạo ra các nghĩa vụ thuế mới, khác hoặc nặng hơn so với luật thuế trong nước.
  • > Các khái niệm nếu không được đề cập cụ thể trong Hiệp định thì thường ưu tiên áp dụng khái niệm tương đương theo quy định của Việt Nam tại thời điểm áp dụng

Phạm vi áp dụng

  • > Đối tượng cư trú ở một hoặc cả hai quốc gia
  • > Thường áp dụng trên nguyên tắc “Nguồn phát sinh thu nhập”
  • > Thuế được áp dụng là thuế thu nhập (Thuế TNDN, thuế TNCN…)

Giải pháp tránh đánh trùng thuế và ví dụ

4.1. Giải pháp 1: Miễn thuế ngay từ nguồn

  • > Quy định được đề cập ngay tại Hiệp định: Các khoản thu nhập từ nước ngoài của đối tượng cư trú Việt Nam được miễn thuế tại Việt Nam thì khoản thu nhập này sẽ được miễn thuế và không được trừ số thuế đã nộp tại nước ngoài (tức là chỉ bị đánh thuế một lần và không phải áp dụng biện pháp tránh đánh thuế hai lần)

4.1. Giải pháp 2: Áp dụng các biện pháp khấu trừ

Thủ tục để cá nhân được trừ thuế đã nộp ở nước ngoài (Có ví dụ bài tập minh họa) – PIT paid oversea

Điều 48. Biện pháp khấu trừ thuế
Trường hợp một đối tượng cư trú của Việt Nam có thu nhập và đã nộp thuế tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, nếu tại Hiệp định, Việt Nam cam kết thực hiện biện pháp khấu trừ thuế thì khi đối tượng cư trú này kê khai thuế thu nhập tại Việt Nam, các khoản thu nhập đó sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam và số tiền thuế đã nộp ở Nước ký kết sẽ được khấu trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam. Việc khấu trừ thuế thực hiện theo các nguyên tắc dưới đây:
a) Thuế đã nộp ở Nước ký kết được khấu trừ là sắc thuế được quy định tại Hiệp định;
b) Số thuế được khấu trừ không vượt quá số thuế phải nộp tại Việt Nam tính trên thu nhập từ Nước ký kết theo quy định pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam nhưng cũng không được khấu trừ hoặc hoàn số thuế đã nộp cao hơn ở nước ngoài;
c) Số thuế đã nộp ở Nước ký kết được khấu trừ là số thuế phát sinh trong thời gian thuộc năm tính thuế tại Việt Nam.
Ví dụ 68: Ông A là một công dân Lào và là đối tượng cư trú của Việt Nam trong năm 2011. Trong năm 2011, ông A có thu nhập tính thuế từ làm công 8 tháng tại Việt Nam là 40.000.000 đồng và 4 tháng (giai đoạn từ tháng 9/2011 đến tháng 12/2011) tại nước Lào là 80.000.000 đồng. Năm tính thuế của Lào từ ngày 01/10 đến ngày 30/9 năm sau. Theo quy định của Hiệp định giữa Việt Nam và Lào (Khoản 1, Điều 15: Hoạt động dịch vụ cá nhân phụ thuộc) ông A phải nộp thuế tại Lào đối với thu nhập có được từ nước này với mức thuế suất theo quy định của Luật thuế nước này (20%). Giả sử ngoài các thu nhập vừa nêu, ông A không có các nguồn thu nhập nào khác. Trong trường hợp này, việc kê khai nộp thuế và khấu trừ thuế đã nộp tại Lào của ông A ở Việt Nam như sau:
– Xác định thu nhập tính thuế của ông A trong năm tính thuế 2011 (theo pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam):
(40.000.000 đồng + 80.000.000 đồng) = 120.000.000 đồng
– Xác định thuế thu nhập của ông A trong năm tính thuế 2011 (theo pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam):
(60.000.000 đồng x 5% + 60.000.000 đồng x 10%) = 9.000.000 đồng
– Số thuế đã nộp tại Lào (theo Luật thuế của Lào):
80.000.000 đồng x 20% = 16.000.000 đồng
– Số thuế tính theo pháp luật Việt Nam trên thu nhập phát sinh tại nước Lào:
9.000.000 đồng : 12 tháng x 4 tháng = 3.000.000 đồng
Vậy ông A chỉ được khấu trừ 3.000.000 đồng trên tổng số thuế 16.000.000 đồng đã nộp trên 80.000.000 đồng thu nhập tiền công phát sinh tại Lào.
Ví dụ 69: Công ty V của Việt Nam có một cơ sở thường trú tại Lào. Trong năm 2010, cơ sở thường trú này được xác định có khoản thu nhập là 100.000 đô la Mỹ. Theo quy định tại Hiệp định giữa Việt Nam và Lào (Khoản 1, Điều 7: Lợi tức doanh nghiệp), Công ty V có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập theo Luật thuế Lào đối với số thu nhập được xác định của cơ sở thường trú này (thuế suất 20%). Trong trường hợp này, việc kê khai nộp thuế và khấu trừ thuế đã nộp tại Lào của Công ty V ở Việt Nam như sau:
– Xác định số thuế đã nộp tại Lào (theo Luật thuế Lào):
100.000 đô la Mỹ x 20% = 20.000 đô la Mỹ
– Xác định số thuế phải nộp tại Việt Nam (theo quy định pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam):
100.000 đô la Mỹ x 25% = 25.000 đô la Mỹ
– Số thuế còn phải nộp tại Việt Nam:
25.000 đô la Mỹ – 20.000 đô la Mỹ = 5.000 đô la Mỹ
Ví dụ 70: Cũng với Ví dụ 69 nêu trên, giả sử Công ty V là công ty liên doanh và được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam là 10%. Khi đó, việc kê khai nộp thuế và khấu trừ thuế đã nộp tại Lào của Công ty V ở Việt Nam như sau:
– Xác định số thuế đã nộp tại Lào (theo Luật thuế Lào):
100.000 đô la Mỹ x 20% = 20.000 đô la Mỹ
– Xác định số thuế phải nộp tại Việt Nam (theo quy định pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam):
100.000 đô la Mỹ x 10% = 10.000 đô la Mỹ
– Số thuế tối đa được khấu trừ tại Việt Nam: 10.000 đô la Mỹ
Trong trường hợp này, Công ty V được khấu trừ 10.000 đô la Mỹ trong tổng số 20.000 đô la Mỹ tiền thuế đã nộp tại Lào. Phần chênh lệch 10.000 đô la Mỹ (20.000 đô la Mỹ – 10.000 đô la Mỹ) không được khấu trừ vào số thuế thu nhập đối với thu nhập từ trong nước (nếu có) của Công ty V và cũng không được chuyển sang năm sau.
Điều 49. Biện pháp khấu trừ số thuế khoán
Trường hợp một đối tượng cư trú của Việt Nam có thu nhập và phải nộp thuế tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam (theo mức thuế được miễn hoặc giảm như một ưu đãi đặc biệt), nếu tại Hiệp định, Việt Nam cam kết thực hiện Biện pháp khấu trừ số thuế khoán thì khi đối tượng cư trú đó kê khai thuế thu nhập tại Việt Nam, các khoản thu nhập đó sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam và số tiền thuế khoán sẽ được khấu trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam. Số thuế khoán là số thuế lẽ ra đối tượng cư trú của Việt Nam phải nộp tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam trên khoản thu nhập phát sinh tại Nước ký kết đó, nhưng theo quy định tại luật của Nước ký kết đó được miễn hoặc giảm như một biện pháp ưu đãi đặc biệt.
Việc khấu trừ thuế thực hiện theo các nguyên tắc dưới đây:
a) Thuế đã nộp hoặc coi như đã nộp ở Nước ký kết được khấu trừ phải là sắc thuế được quy định tại Hiệp định;
b) Số thuế được khấu trừ không vượt quá số thuế phải nộp tại Việt Nam tính trên thu nhập từ Nước ký kết theo quy định pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam;
c) Số thuế đã nộp ở Nước ký kết được khấu trừ là số thuế phát sinh trong thời gian thuộc năm tính thuế tại Việt Nam.
Ví dụ 71: Công ty Q của Việt Nam có một cơ sở thường trú tại U-dơ-bê-ki-xtăng. Trong năm 2010, cơ sở thường trú này được xác định có khoản thu nhập là 100.000 đô la Mỹ. Theo quy định tại Luật thuế U-dơ-bê-ki-xtăng, khoản thu nhập này được miễn thuế như một biện pháp ưu đãi đặc biệt (trường hợp không được miễn, sẽ phải nộp thuế với mức thuế suất 33%). Công ty Q có nghĩa vụ nộp thuế tại Việt Nam theo mức thuế suất hiện hành (25%). Theo quy định tại Hiệp định giữa Việt Nam và U-dơ-bê-ki-xtăng (Khoản 5, Điều 24: Xoá bỏ việc đánh thuế hai lần), Việt Nam có nghĩa vụ khấu trừ số thuế khoán (tức là số thuế đáng ra đã phải nộp nhưng được miễn tại U-dơ-bê-ki-xtăng). Trong trường hợp này, việc kê khai nộp thuế và khấu trừ số thuế khoán của Công ty Q ở Việt Nam như sau:
– Xác định số thuế khoán tại U-dơ-bê-ki-xtăng (theo Luật thuế U-dơ-bê-ki-xtăng):
100.000 đô la Mỹ x 33% = 33.000 đô la Mỹ
– Xác định số thuế phải nộp tại Việt Nam (theo quy định pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam):
100.000 đô la Mỹ x 25% = 25.000 đô la Mỹ
Như vậy, Công ty Q trên thực tế không phải nộp thuế nhưng được coi như đã nộp 25.000 đô la Mỹ (trong tổng số 33.000 đô la Mỹ tính theo luật thuế U-dơ-bê-ki-xtăng trước khi được hưởng ưu đãi) và được trừ số thuế này vào thuế phải nộp tại Việt Nam (tức là không phải nộp thuế tại Việt Nam).
Điều 50. Biện pháp khấu trừ gián tiếp
1. Trường hợp một đối tượng cư trú của Việt Nam có thu nhập từ Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam mà khoản thu nhập này đã chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trước khi được chia cho đối tượng đó và tại Hiệp định, Việt Nam cam kết thực hiện biện pháp khấu trừ thuế gián tiếp thì khi kê khai thuế thu nhập tại Việt Nam, các khoản thu nhập đó sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam và số thuế gián tiếp đã nộp ở Nước ký kết sẽ được khấu trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, số thuế được khấu trừ không vượt quá số thuế phải nộp tại Việt Nam tính trên thu nhập từ nước ngoài theo quy định pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam.
Số thuế gián tiếp được khấu trừ là số thuế do một công ty cổ phần là đối tượng của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam đã nộp tại Nước ký kết đó dưới hình thức thuế thu nhập công ty trước khi chia lãi cổ phần cho đối tượng cư trú của Việt Nam với điều kiện đối tượng cư trú của Việt Nam kiểm soát trực tiếp một tỷ lệ tối thiểu quyền bỏ phiếu của công ty cổ phần (thường là 10%).
Ví dụ 72: Công ty V của Việt Nam đầu tư 10.000.000 đô la Mỹ (tương đương 20% vốn cổ phần) tại Công ty N của Liên bang Nga. Trong năm 2010, Công ty N có thu nhập là 100.000 đô la Mỹ và phải nộp thuế theo Luật thuế Liên bang Nga (mức thuế suất 30%). Lợi tức sau thuế của Công ty N được chia cho Công ty V theo tỷ lệ cổ phần và phải nộp thuế tại Liên bang Nga với mức thuế suất 10% (Khoản 2.a Điều 10: Tiền lãi cổ phần, Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga). Công ty V có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam với mức thuế suất hiện hành (25%). Trong trường hợp này, việc kê khai nộp thuế và khấu trừ thuế gián tiếp của Công ty V ở Việt Nam như sau:
– Số lợi nhuận trước thuế của Công ty V của Việt Nam được hưởng trong tổng số lợi nhuận của Công ty N tại Liên bang Nga là:
100.000 đô la Mỹ x 20% = 20.000 đô la Mỹ
– Số thuế thu nhập doanh nghiệp Công ty N đã nộp tại Liên bang Nga đối với phần lợi nhuận nêu trên của Công ty V theo Luật thuế Liên bang Nga là:
20.000 đô la Mỹ x 30% = 6.000 đô la Mỹ
– Lợi tức cổ phần được chia sau thuế của Công ty V là:
20.000 đô la Mỹ – 6.000 đô la Mỹ = 14.000 đô la Mỹ
– Số thuế Công ty V phải nộp tại Liên bang Nga đối với lợi tức cổ phần được chia theo Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga là:
14.000 đô la Mỹ x 10% = 1.400 đô la Mỹ
– Tổng số thuế Công ty V phải nộp tại Liên bang Nga (bao gồm cả thuế trực tiếp do Công ty V nộp trên cổ tức và thuế gián tiếp do Công ty N có vốn đầu tư của Công ty V nộp trên thu nhập công ty) là:
1.400 đô la Mỹ + 6.000 đô la Mỹ = 7.400 đô la Mỹ
– Số thuế Công ty V phải nộp tại Việt Nam theo quy định pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam là:
20.000 đô la Mỹ x 25% = 5.000 đô la Mỹ
Trong trường hợp này, Công ty V chỉ được khấu trừ tối đa là 5.000 đô la Mỹ trong tổng số 7.400 đô la Mỹ đã nộp tại Liên bang Nga. Phần chênh lệch 2.400 đô la Mỹ (7.400 đô la Mỹ – 5.000 đô la Mỹ) không được phép khấu trừ vào số thuế đối với thu nhập trong nước (nếu có) của Công ty V.
2. Mặc dù theo quy định trên, Việt Nam chỉ thực hiện biện pháp khấu trừ thuế gián tiếp khi có cam kết tại Hiệp định, nhưng nếu theo quy định của luật Việt Nam, các khoản thu nhập từ nước ngoài của một đối tượng cư trú Việt Nam được khấu trừ thuế gián tiếp thì quy định này vẫn được thực hiện.
Ví dụ 73: Cũng với Ví dụ 72 nêu trên, giả sử việc đầu tư vào Công ty N tại Liên bang Nga là một Dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Công ty V theo quy định của pháp luật Việt Nam thì dù tỷ lệ đầu tư của Công ty V chiếm ít hơn 10% vốn cổ phần của Công ty N nhưng các biện pháp khấu trừ thuế gián tiếp vẫn được thực hiện (Điểm 21, Điều 7, Chương II, Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008, Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp) mặc dù Hiệp định giữa Việt Nam và Liên bang Nga (Khoản 2, Điều 23: Biện pháp tránh đánh thuế hai lần) không quy định.

Dịch vụ Lập hồ sơ miễn thuế

Quý khách liên hệ Manabox tại

https://manaboxvietnam.com/danh-sach-ho-so-hiep-dinh-tranh-danh-thue-2-lan/

Biên soạn: Nguyễn Thị Loan – Giám đốc tư vấn 

Thuế thu nhập từ nước ngoài chuyển về Việt Nam (Có ví dụ minh họa bài tập)

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Liên hệ tư vấn dịch vụ Kế toán – Thuế – Đào tạo: Ms Huyền – 094 719 2091
Mọi thông tin xin liên hệ:
Công ty TNHH Gonnapass
Phòng 701, tầng 7, toà nhà 3D Center, số 3 Duy Tân, P Dịch Vọng Hậu, Q Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: hotro@gonnapass.com
Website: https://gonnapass.com
Hotline/ Zalo : 0888 942 040
avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page