Rủi ro về thuế nhà thầu điều khoản CIP là một trong các câu hỏi chúng tôi thường nhận được khi rà soát về thuế nhà thầu của khâu nhập khẩu.
Tình huống
Bạn hỏi: Doanh nghiệp có mua hàng là NVL, CCDC theo điều kiện CIP Hà Nội trên PO thể hiện CIP Hà Nội. Trên tờ khai Hải Quan thể hiện:
- + Điểm dỡ hàng là VNHAN Hà Nội
- + Điểm lưu kho là kho: kho vận nội bài, DHL hoặc kho Fedex hoặc kho Công ty TNHH SB.
Công ty thực hiện lấy hàng tại các địa điểm lưu kho hàng hóa, chi phí vận chuyển phát sinh đến việc lấy hàng tại điểm lưu kho là DN phải chịu. Vậy với các trường hợp nêu trên thì trường hợp nào phải chịu thuế nhà thầu trường hợp nào không phải chịu TNT?
Gonna Pass trả lời
Về điều khoản giao hàng CIP (CARRIAGE AND INSURANCE PAID TO)
Điều khoản giao hàng CIP (CARRIAGE AND INSURANCE PAID TO)- cước phí và bảo hiểm trả tới Theo định nghĩa của quy ước quốc tế:
- > Điều khoản CIP “Cước phí và bảo hiểm trả tới” có nghĩa là người bán giao hàng hóa cho người chuyên chở hoặc người khác do người bán chỉ định tại địa điểm đã thỏa thuận (nếu địa điểm đã được thỏa thuận giữa các bên), ngoài ra người bán phải trả chi phí vận tải cần thiết để đưa hàng hóa tới nơi đến quy định.
- > Khi sử dụng các điều kiện này, thời điểm chuyển giao rủi ro liên quan đến hàng hoá khỏi tay người bán là khi giao hàng cho bên vận chuyển đầu tiên (ví dụ giao hàng cho DHL tại Nhật). Khi đó người bán chỉ chịu rủi ro liên quan đến hàng hoá ngoài lãnh thổ Việt Nam
- > Tham khảo thời điểm chuyển giao rủi ro và chi phí phải chịu theo sơ đồ ở dưới đây
Về các địa điểm giao nhận hàng và lưu kho
Về nguyên tắc, khi sử dụng các điều kiện CIP, thời điểm chuyển giao rủi ro liên quan đến hàng hoá khỏi tay người bán là khi giao hàng cho bên vận chuyển đầu tiên, người bán chỉ chịu rủi ro liên quan đến hàng hoá ngoài lãnh thổ Việt Nam nên không thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu theo quy định tại khoản 2 điều 2 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định về đối tượng không chịu thuế nhà thầu bao gồm:
Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hóa cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không kèm theo các dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam dưới các hình thức: Giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài: người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc xuất khẩu hàng và giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu nước ngoài về đến Việt Nam (kể cả trường hợp giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài có kèm điều khoản bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán).
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, một số cục thuế địa phương đang căn cứ vào điểm đích (điểm trả tới của cước phí vận chuyển và bảo hiểm) để xác định là trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam để xác định có thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu hay không.
- > Nếu điểm trả tới là cửa khẩu ngoài lãnh thổ VN thì không thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu. Tham khảo công văn hướng dẫn tại công văn số 73028/CT-TTHT ngày 28/11/2016 của cục thuế TP Hà Nội:
Căn cứ các hướng dẫn trên và hồ sơ Công ty cung cấp, trường hợp Công ty mua hàng của nhà cung cấp nước ngoài (Batteryspace.com/AA portable power corp – Công ty B) theo điều kiện giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam (CIP Nội Bài Airport), thực hiện bảo hành trong 12 tháng cho lô hàng (là trách nhiệm và nghĩa vụ của Công ty B), ngoài ra không thực hiện bất kỳ dịch vụ nào khác tại Việt Nam liên quan đến lô hàng thì hoạt động cung cấp hàng hóa của Công ty B thuộc đối tượng không áp dụng của Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính.
Công ty không phải thực hiện thủ tục kê khai, nộp thuế nhà thầu trước khi thanh toán cho Công ty B.
- > Nếu điểm trả tới là trong cửa khẩu (kho của bên vận chuyển – ví dụ kho DHL, hoặc một địa điểm khác do bên mua chỉ định bên trong cửa khẩu – ví dụ như điểm đến là bên mua hoặc trường hợp trên tờ khai ghi Địa điểm dỡ hàng VNHAN Hà Nội: theo cách lên thông tin trên tờ khai của bộ phận khai hải quan thì việc ghi điểm dỡ hàng là Nội Bài hay Hà Nội đều được xem là Nội Bài (vì Hà Nội chỉ có duy nhất 1 cửa khẩu nhập cảnh Nội Bài)) thì được xác định là giao trong lãnh thổ Việt Nam nên thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu, tham khảo công văn 10903
Trường hợp Công ty theo trình bày và hồ sơ đính kèm ký hợp đồng với tổ chức nước ngoài mua bản quyền phần mềm và hàng hóa (phần cứng máy tính) theo điều kiện giao hàng CIP (Incoterm 2010) tại trụ sở của Công ty (người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam) và tách riêng được giá trị bản quyền phần mềm và giá trị hàng hóa thì thu nhập tổ chức nước ngoài nhận được thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu. Trước khi thanh toán cho tổ chức nước ngoài Công ty thực hiện khấu trừ, kê khai, nộp thuế nhà thầu như sau:
1. Đối với giá trị bản quyền phần mềm:
Bản quyền phần mềm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, Công ty chỉ khấu trừ thuế TNDN nhà thầu theo tỷ lệ 10% trên doanh thu tính thuế TNDN.
2. Đối với giá trị hàng hóa:
– Thuế GTGT: nộp tại khâu nhập khẩu theo quy định.
– Thuế TNDN = Doanh thu tính thuế TNDN x Tỷ lệ (%) thuế TNDN (1%).
- > Nếu giao nhận hàng tại các địa điểm trong Việt Nam, theo khoản 2 điều 1 TT 103/2014/TT-BTC về đối tượng áp dụng thuế nhà thầu:
Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng ký giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ trường hợp gia công và xuất trả hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) hoặc thực hiện phân phối hàng hóa tại Việt Nam hoặc cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế – Incotermsmà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam.
Xem công văn 13 đính kèm
Những trường hợp nhập khẩu hàng hóa phải chịu thuế nhà thầu – FCT for imports
Biên soạn : Nguyễn Hồng Tươi – Tư vấn viên – Manabox Việt Nam
Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.
Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass