Giải đáp các tình huống thực tế về thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN

5845

Giải đáp các tình huống thực tế về thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN

 

Chi phí thuê nhà trả cho người lao động bằng tiền mặt thì có phải tính thuế TNCN không?

Trả lời

Có, khoản trợ cấp, phụ cấp tiền nhà bằng tiền mặt trả vào lương cho người lao động, Doanh nghiệp thực hiện tính toàn bộ vào thu nhập chịu thuế TNCN. Trường hợp áp dụng giới 15% tổng thu nhập chưa bao gồm tiền nhà chỉ áp dụng với trường hợp “…. Đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả thay …”
Tham khảo tại:

Tính thuế TNCN với tiền nhà

 

– Tư vấn viên: Bùi Thị Hường –

[collapse]

Trong hợp đồng lao động of NLD có quy định về việc hỗ trợ chi phí thuê xe đi lại cho NLD với mức A, thực tế công ty trực tiếp kí hợp đồng đồng thuê xe với công ty vận tải, xuất hóa đơn về cho công ty thì khoản này có bị tính vào thu nhập chịu thuế của NLĐ ko ah?

Trả lời

Từ năm 2015, khoản phí thuê xe đưa đón nhân viên là cá nhân hay tập thể không bị tính vào thu nhập chịu thuế TNCN căn cứ theo khoản 4, Điều 11, Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định:
“đ.5) Đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động theo quy chế của đơn vị.”
Tham khảo:

Tính thuế TNCN tiền xe đưa đón

 

– Tư vấn viên: Bùi Thị Hường –

[collapse]

Cho em hỏi tiền thuê nhà cho cá nhân nước ngoài mà cá nhân tự thuê, tự trả sau đó cuối năm công ty trả lại cho cá nhân này thì có cho vào thu nhập tính khấu trừ 15% thu nhập hàng tháng không ạ?

Trả lời

Mặc dù không có hướng dẫn về việc thế nào là tiền nhà trả hộ, thông thường cơ quan thuế xác định quy định về giới hạn 15% chỉ áp dụng so sánh thu nhập từ tiền thuê nhà với giới hạn 15% Thu nhập chịu thuế chưa bao gồm tiền thuê nhà khi Công ty trực tiếp chi trả thay, làm việc trực tiếp với bên cho thuê nhà.
Trường hợp cá nhân tự thuê, tự trả sau đó cuối năm công ty trả lại cho cá nhân, thì phần thu nhập từ tiền nhà mà cá nhân nhận được từ công ty sẽ có rủi ro tính toàn bộ vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Tham khảo:

Tính thuế TNCN với tiền nhà

https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Thue-Phi-Le-Phi/Cong-van-3390-CT-TTHT-thu-nhap-chiu-thue-thu-nhap-ca-nhan-tien-luong-tien-cong-Ho-Chi-Minh-2016-313642.aspx

– Tư vấn viên: Bùi Thị Hường –

[collapse]

Khoản quà tặng này do Công đoàn trao cho người lao động thì có phải tính trong thu nhập chịu thuế TNCN hay không?

Trả lời

Người lao động khi nhận được các khoản chi từ quỹ công đoàn sẽ không phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ tiền lương, tiền công.
Tuy nhiên, các khoản chi này phải phục vụ cho các nhiệm vụ tại Điều 27 Luật Công đoàn 2012 như:
– Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;
– Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
– Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh;
– Tổ chức phong trào thi đua do công đoàn phát động;
– Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn;
– Tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động;
– Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới;
– Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;
– Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;
– Trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách;
– Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp;
– Các nhiệm vụ chi khác.

Tham khảo:

Quà tặng từ quỹ công đoàn

– Tư vấn viên: Đỗ Thị Thuý Hường –

[collapse]

Hỏi tiếp về phụ cấp công tác phí. Có 1 số trường hợp các bạn kỹ sư bên mình phải base ở xưởng của khách hàng. Do đó, các bạn ấy tính công tác phí cả tháng. Đặc thù công việc các bạn ấy là chỉ ở các khách hàng thôi nên tháng nào cũng nhận công tác phí cả tháng như vậy. Kể cả như vậy công tác phí này vẫn không tính PIT như công tác phí thông thường khác đúng không?

Trả lời

Đúng nhưng phải có đủ hồ sơ chứng minh là công tác phí và chi phí không vượt mức quy định của công ty thì không tính PIT NLĐ:
+ Có quy định về điều kiện hưởng và mức hưởng phí công tác trong quy chế công ty, hợp đồng lao động
+ Quyết định công tác, văn bản cử NLĐ đi công tác
+ Hóa đơn, chứng từ khác chứng minh như: đề nghị tạm ứng, hoàn ứng,vv

Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC:
“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước.”

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Thanh Huyền –

[collapse]

Cho em hỏi lươmg tháng 5.2021 chi vào đầu tháng 6.2021 và có chi tiền cơm tháng 5.2021 là 730,000đ, cuối tháng 6.2021 có chi luôn lương tháng 6.2021 và chi tiền cơm tháng 6.2021 là 730.000đ. Vậy 2 khoản tiền cơm được chi trong 1 tháng có được tính là thu nhập miễn thuế hay không, hay chỉ được giảm tối đa 730,000đ/tháng không ạ?

Trả lời

Mặc dù không có hướng dẫn rõ ràng, theo quan điểm của chúng tôi, 2 khoản tiền ăn trưa được chi trong 1 tháng nhưng bản chất là tiền ăn trưa của 2 tháng thì vẫn được tính vào thu nhập miễn thuế cả 2 khoản cho lương tháng 5 và tháng 6 theo quy định của Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội tại Khoản 4, điều 22 Mục 6 Thông tư 26/2016/TT-BLDTBXH:
“Mục 6. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Hiệu lực thi hành
4, Công ty thực hiện mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho người lao động tối đa không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng.”

Tham khảo:

Trợ cấp tiền ăn có tính thuế TNCN và có được trừ?

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Thanh Huyền –

[collapse]

Nếu giảng viên được trường hỗ trợ phí đăng bài báo quốc tế thì có phải chịu thuế Tncn ko bạn?

Trả lời

Có. Bản chất có thể coi là thu nhập từ tiền lương tiền công: khoản trợ cấp, phụ cấp
Tham khảo ý kiến câu trả lời của Vụ Chính sách thuế.

http://www.taichinhdientu.vn/hoi-dap-ho-tro/chi-phi-dang-bai-tren-tap-chi-quoc-te-co-tinh-vao-thue-thu-nhap-ca-nhan-118712.html

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Thanh Huyền –

[collapse]

Tờ khai tncn quý 1,2 nộp nhưng quý 3 do dịch chưa thanh toán cho người lao động nên quý 3 không nộp mà khoản này thành toán tất cả vào tháng 10. Trường hợp tờ khai quý 3 không nộp có bị phạt không?

Trả lời

Không, từ ngày 5/12/2020, theo NĐ 126/2020/NĐ-CP, trường hợp tổ chức, cá nhân phát sinh trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân mới thuộc diện phải khai thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thì không thuộc diện điều chỉnh của Luật thuế Thu nhập cá nhân. Theo đó, tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân tháng/quý nào thì không phải khai thuế thu nhập cá nhân của tháng/quý đó.
Tham khảo:

Không trả lương có phải nộp tờ khai thuế TNCN?

– Tư vấn viên: Trần Thị Hương Lan –

[collapse]

Thuế TNCN với trường hợp thai sản đi làm trước 4 tháng

Trả lời

Thuế TNCN đối với NLĐ nghỉ thai sản 4 tháng, đi làm sớm áp dụng như bình thường đối với thu nhập từ tiền lương tiền công. Cần lưu ý về
1. Điều kiện để đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản:
– Đã nghỉ ít nhất được 4 tháng
– Người lao động phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý
– Có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động.
2. Do đó, mặc dù không có quy định rõ là Chi phí trả lương cho NLĐ đi làm sớm mà không theo quy định về thời gian nghỉ thai sản có là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không nhưng công ty nên chấp hành quy định về nghỉ thai sản cho NLĐ để giảm các rủi ro vi phạm luật lao động và không được trừ chi phí này

– Tư vấn viên: Trần Thị Hương Lan –

[collapse]

Phu cap tien dien thoai trong hop dong lao dong va the hien tren bang luong co la thu nhap tinh thue tncn hay khong
1. Chi phí điện thoại: trong hợp đồng lao động quy định tiền điện thoại sẽ được thanh toán cho nhân viên theo hóa đơn thực tế (giới hạn không vượt quá 1 triệu/1 tháng). Nhưng thực tế mn đều dùng thuê bao trả trước, nên họ submit invoice mua thẻ cào điện thoại (invoice xuất cho cty). Vậy số tiền phụ cấp điện thoại như vậy có phải tính PIT không, và có được tính vào chi phí hợp lệ cho CIT không?

Trả lời

Về bản chất, khoản chi phí điện thoại này đang thực hiện chi theo dạng hóa đơn thực tế nên chi phí này là chi phí được trừ nếu có quy định cụ thể về điều kiện hưởng, mức hưởng tại các hồ sơ như hợp đồng lao động, quy chế….
Tham khảo thêm tại:

Tiền điện thoại có tính thuế TNCN không? Có được trừ khi tính thuế TNDN?

– Tư vấn viên: Vũ Ngọc Mai –

[collapse]

Chi phí khám sức khỏe cho ng nước ngoài, và lệ phí để làm giấy phép lao động có bị tính thuế tncn không?
Chi phí khám sức khỏe cho người LĐ nước ngoài để phục vụ cho việc xin Giấy phép lao động. Công ty tri trả toàn bộ, theo hợp đồng lao động đã ký kết hai bên. Vậy, chi phí khám sức khỏe này có phải tính vào Thu nhập chịu thuê PIT không? Cần hồ sơ nào chứng mình là hợp lý? Hiện tại, công ty mình đang hạch toán là bị tính vào Thu nhập chịu thuế, và đôi khi do mức lũy kế 35% phải chịu cao, nên loại cho vào 811.

Trả lời

1. Về thuế TNDN:
Trường hợp Công ty ký hợp đồng lao động thuê người nước ngoài làm việc tại Công ty nếu có phát sinh các khoản chi làm giấy phép lao động, thẻ tạm trú cho người nước ngoài thì nguyên tắc các chi phí này là chi phí được trừ nếu:
a. Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế tài chính có thỏa thuận Công ty chịu trách nhiệm chi các khoản này
b. Khoản chi phí khi chi có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp ghi tên, địa chỉ, mã số thuế Công ty
2. Về thuế TNCN
Theo công văn 3867/TCT-TNCN ngày 25/08/2017 “Công ty thuê người lao động là người nước ngoài thì công ty có trách nhiệm đề nghị cấp GPLĐ nên chi phí làm GPLĐ do công ty chi trả không tính vào TNCT TNCN của người lao động”
Tham khảo chi tiết:

Chi phí làm visa, thẻ tạm trú cho lao động nước ngoài

– Tư vấn viên: Vũ Ngọc Mai –

[collapse]

Khi cá nhân đi công tác và tự di chuyển bằng xa cá nhân, công ty thanh toán chi phí đi lại dựa trên quãng đường đi chuyển mà cá nhân kê khai, thì số tiền đó có tính PIT không?
Mình hỏi tiếp về chi phí phụ cấp đi lại cho nhân viên sales (câu này trước cũng hỏi qua zalo nhưng mình chưa clear hướng xử lý lắm): nhân viên sales họ phải đi gặp gỡ khách hàng… việc đi lại họ tự sử dụng xe cá nhân. Cty quy định thanh toán 7.000 đ/km di chuyển. Việc di chuyển hàng tháng hoàn toàn theo bảng kê khai của họ và được manager approve. Không có chứng từ gì khác chứng minh cho việc đi lại (vì cũng chỉ tới khách hàng chào hàng… nên cũng ko thể yêu cầu KH đóng dấu giấy đi đường…). Vậy số tiền chi trả cho việc đi lại thế có phải tính PIT không; và các bạn tư vấn giúp chứng từ support nên ntn?

Trả lời

Chi phí hỗ trợ nhân viên sale này có thể coi là khoán chi công tác phí khi nhân viên đi công tác và không chịu thuế TNCN.
Khoản khoán công tác phí này cần có Quy định trong quy chế tài chính về
– Mức khoán chi
– Hồ sơ làm cơ sở thanh toán mức chi, ví dụ: Bằng chứng về quãng đường đã đi theo GPS…

– Tổng CỤc thuế có công văn 4438/TCT-CS hướng dẫn trường hợp tương tự
– Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC:
“…đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
…đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp…”
– Theo thông tư 96/2015/TT-BTC, các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.9. Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp.…ʼʼ

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Minh Phượng –

[collapse]

Cá nhân đã về hưu (có lương hưu) vẫn đang làm việc tại 1 DN, được trả thu nhập hàng tháng quyết toán thuế TNCN như thế nào?

Trả lời

– Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập từ lương hưu.
– Trường hợp đi làm có thu nhập từ tiền lương, tiền công sau khi trừ đi các khoản giảm trừ mà số tiền còn lại lớn hơn không (> 0) thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

* Căn cứ pháp lý:
Tại Điểm k, Khoản 1, Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ban hành ngày 15/8/2013 quy định các khoản thu nhập được miễn thuế như sau:
“k) Tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội trả theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ Quỹ hưu trí tự nguyện. “

Tham khảo tại:

Thuế TNCN với người đã nghỉ hưu

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Minh Phượng –

[collapse]

Liên quan đến vấn đề chi phí du lịch: Nếu công ty không tổ chức đi du lịch mà mua quà cho người lao động thì phần quà đó có phải là thu nhập chịu thuế không. Xin cảm ơn

Trả lời

Trường hợp chi phí du lịch được chi trả bằng quà cho người lao động thì có rủi ro đây được coi là chi phí cho từng cá nhân và quà tặng là thu nhập mang tính chất tiền lương, tiền công.

Tham khảo tại:

Chi phí du lịch được trừ và có tính thuế TNCN?

Chính sách thuế TNCN – Quà tặng cho nhân viên

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Minh Phượng –

[collapse]

Các khoản lợi ích của người lao động: ví dụ sinh nhật 500k, thăm hỏi ốm đau 1 triệu, lì xì 200k…trực tiếp bằng tiền mặt. Vậy khi tính PIT thì gross up lên hay chỉ cộng đúng số tiền này để tính PIT ạ?

Cho em hỏi chi phúc lợi sinh con cho NLĐ có phải là chi hiếu hỷ ko ạ? Hay phải tính thuế TNCN khoản này ạ

Chi hỗ trợ ốm đau cho NLĐ, và thân nhân NLĐ thì có tính vào thu nhập chịu thuế không ạ?

Công ty em hỗ trợ mỗi người F0 một phần thực phẩm trị giá 1.500.000đ. Có phải tính PIT không? Cần phải chuẩn bị những chứng từ nào để chi phí được tính là chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.

Trả lời

1. Các khoản lợi ích của người lao động: Sinh nhật, thăm hỏi ốm đau, lì xì…trực tiếp bằng tiền mặt sẽ được
– Cộng trực tiếp vào TNCT của NLĐ để tính thuế TNCN, không phải quy đổi gross-up – Nếu là lương Gross
– Cộng vào thu nhập làm cơ sở trước khi quy đổi của NLĐ để tính thuế TNCN và Gross up lên – Nếu là lương NET

Tham khảo:

Thuế TNCN: Cách quy đổi lương Net sang Gross

2. Phúc lợi sinh con cho NLĐ
Tham khảo:

Chính sách thuế với khoản chi hiếu hỉ

Do không có quy định cụ thể, khoản phúc lợi khi sinh con nên được tính vào TNCT TNCN
Về thuế TNDN, đây là khoản chi phúc lợi trực tiếp theo công văn số 5435/TCT-CS ngày 27/11/2017 của Tổng cục Thuế

3. Chi trợ cấp ốm đau cho NLĐ, thân nhân NLĐ có tính vào TNCT trừ trường hợp người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh hiểm nghèo do cơ quan y tế ban hành (theo Công văn số 6383/BTC-TCT ngày 18/5/2015 của Bộ Tài chính) thì được miễn thuế TNCN

4. Khoản chi hỗ trợ F0: Căn cứ tại khoản 2, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, khoản chi hỗ trợ F0 sẽ tính vào TNCT của NLĐ.
Các khoản chi nêu trên là các khoản chi trực tiếp cho người lao động ngoài các khoản chi lương thưởng đã thỏa thuận và phù hợp với quy định của pháp luật nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động được xác định là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng quy định tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC nêu trên và tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá 1 tháng lương bình quân thực tế trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Thanh –

[collapse]

Trường hợp DN hỗ trợ NLĐ chi phí test nhanh Covid bằng tiền mặt từ chi phí của công ty(ko phải quỹ từ công đoàn và quỹ Bh tai nạn, bệnh nghề nghiệp) thì chi phí này có tính vào TNCT thuế TNCN của người lao động đó không? Xin cám ơn Manabox
Các khoản chi test nhanh, test PCR covid toàn công ty nhưng có danh sách người test cụ thể đính kèm hóa đơn thì có phải tính vào thuế TNCN hay không?
Cho em hỏi: Toàn bộ chi phí doanh nghiệp chi trả phí test covid chi bằng tiền mặt cho người lao động thì sẽ phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN đúng ko ạ? Và trả bằng chuyển khoản cho nhà cung cấp dịch vụ thì ko phải tính vào thu nhập chịu thuế đúng ko ạ? CHo em xin công văn hướng dẫn với ạ?
Do phát sinh người nhiễm covid tại công ty, có tiếp xúc với nhiều nhân viên khác, công ty có yêu cầu các nhân viên tiếp xúc với F0 tự mua que test (lấy hóa đơn về cho công ty) và cty thanh toán lại tiền cho nhân viên mang hóa đơn về. Chi phí test covid này có phải tính thuế TNCN cho cá nhân đó không?
cho mình hỏi về chi phí xét nghiệm covid cho toàn bộ cand bộ cnv hàng tháng có là thu nhập chịu thuế TNCN
Cho em hỏi những chi phí hỗ trợ covid cho NLD (tiền ăn trong thời gian 3 tại chỗ do trong thời gian giãn cách không mua được ở nơi có cấp hoá đơn nên công ty chi tiền trực tiếp cho NLD để chi trả chi phí ăn) thì có bị tính vào thu nhập của NLD không ạ? Về mặt thuế TNDN em sử dụng bảng kê 01/TNDN để làm hồ sơ chi phí được không vì chủ yếu mua tại chợ?

Trả lời

Chào bạn, theo tinh thần hướng dẫn của Tổng cục thuế tại công văn số 4110/TCT-DNNCN ngày 27/10/2021 thì
– Các khoản chi phí xét nghiệm Covid – 19 hoặc mua kit xét nghiệm Covid – 19 cho người lao động, chi phí mua các thiết bị cho người lao động nhằm bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc
– Các chi phí ăn, ở của người lao động ở tại doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”,
Các khoản chi phí nêu trên phản ánh thực tế phát sinh và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật, thì các khoản chi phí này được tính vào chi phí được trừ khi thuế thu nhập doanh nghiệp và không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
Do đó, hồ sơ chứng từ để thỏa mãn là chi phí hợp lý được tham chiếu tại điều 4 Thông tư 78/2013/TT-BTC.
Ngoài ra, các khoản chi hộ cần bổ sung ủy quyền chi trả hộ chi phí công ty, những khoản chi không có hóa đơn chứng từ chứng minh chi phí có rủi ro bị loại chi phí thuế TNDN và tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Tham khảo tại:

Chi phí liên quan đến hoạt động phòng chống Covid có được trừ?

– Tư vấn viên: Trần Thị Thanh Thảo –

[collapse]

Các chi phí như khoản phụ cấp bằng tiền khi thực hiện 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến có phải tính vào TN chịu thuế TNCN không?

Trả lời

Chào bạn, theo tinh thần hướng dẫn mới nhất của Tổng cục thuế tại công văn số 4110/TCT-DNNCN ngày 27/10/2021 thì chỉ đề cập trường hợp các khoản chi phí ăn, ở của người lao động ở tại doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” nếu có hóa đơn, chứng từ hợp lý thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của NLĐ mà chưa có hướng dẫn cụ thể cho trường hợp chi phụ cấp bằng tiền, do đó khoản phụ cấp này có thể được coi là lợi ích khác của người lao động và sẽ chịu thuế TNCN.

– Tư vấn viên: Trần Thị Thanh Thảo –

[collapse]

Doanh nghiệp có 01 lao động đã làm quyết toán thuế TNCN năm 2020 theo lương 12 tháng trong năm. nhưng lương tháng 12 thực tế chưa chi, đến năm 2021 có sự thay đổi không chi trả hết thu nhập cho lao động này. Vậy số thuế TNCN đã quyết toán năm trước bây giờ có phải tính lại theo thu nhập thực nhận và nộp lại tờ khai năm 2020 không?

Trả lời

Chào bạn, trường hợp của bạn được coi là phát hiện sai sót sau khi đã nộp hồ sơ thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra. (điều 47, Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14)

– Tư vấn viên: Trần Thị Thanh Thảo –

[collapse]

Chi phí cách ly do Covid của gia đình chuyên gia có được loại trừ khỏi thu nhập chịu thuế?
Bạn cho mình hỏi: Do Covid nên các Sếp Người nước ngoài ko về nước nghỉ theo định kỳ, hoặc dịp Tết hàng năm thì có phát sinh vận chuyển đồ từ nước ngoài cho các bác ấy. Thì Chi phí này có chịu thuế TNCN ko? Chi phí này Cty sẽ trả hộ sau đó charge lại Công ty mẹ bên nước ngoài. Thanks!

Trả lời

Chào bạn, theo quy định hiện tại thì khoản chi phí cách ly cho gia đình chuyên gia, chi phí vận chuyển đồ từ nước ngoài cho NLĐ nước ngoài không thuộc các trường hợp không chịu thuế TNCN, do đó những khoản chi này có thể được coi là khoản lợi ích khác mà người lao động được hưởng nên vẫn tính vào Thu nhập chịu thuế TNCN của NLĐ.
Nếu người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam, thì phạm vi thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
Nếu người nước ngoài là cá nhân không cư trú thì phạm vi thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập, tuy nhiên với trường hợp chi trả hộ này, nếu không có chứng từ chứng minh chi trả hộ thì có thể công ty tại Việt Nam sẽ là bên phải kê khai thu nhập này vào thu nhập chịu thuế TNCN.

– Tư vấn viên: Trần Thị Thanh Thảo –

[collapse]

Năm 2021 bên mình có NNN đã tính chi phí cách ly và chi phí làm visa cho NLĐ. Khi quyết toán có phải tính lại phần này loại khỏi phần thuế TNCN ko? Theo cv 2014/TCT-DNNCN & 4110/TCT-DNNCN! Thanks Admin

Trả lời

Chào bạn, Công văn 4110/TCT-DNNCN được ban hành ngày 27/10/2021 chưa hướng dẫn cụ thể có áp dụng cho các trường hợp đã phát sinh chi phí cách ly cho NNN trước thời điểm công văn này ban hành hay không, nên để hạn chế rủi ro nhất, công ty có thể không tính lại.

– Tư vấn viên: Trần Thị Thanh Thảo –

[collapse]

Cho mình hỏi: Chi phí thuê khách sạn cho người nước ngoài trong thời gian hoạt động 3 tại chỗ, người nước ngoài trả trước cho khách sạn sau đó công ty trả 1 lần cho người nước ngoài bằng tiền mặt. Chi phí này có được miễn tính thuế TNCN cho người nước ngoài không ạ.

Trả lời

Chào bạn, theo tinh thần hướng dẫn của Tổng cục thuế tại công văn số 4110/TCT-DNNCN ngày 27/10/2021 có đề cập đến chi phí ăn, ở của người lao động ở tại doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, phản ánh thực tế phát sinh và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật, thì được tính vào chi phí được trừ khi thuế thu nhập doanh nghiệp và không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
Trường hợp của bạn, phương án 3 chỗ không phải ở tại doanh nghiệp nên có khả năng vẫn bị tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của NLĐ.

– Tư vấn viên: Trần Thị Thanh Thảo –

[collapse]

Với lao động có thu nhập tăng cao vào tháng cuối năm do có nhiều khoản lương, thưởng thì làm thế nào để mức đóng thuế TNCN thấp nhất
Làm sao để giảm thiểu tiền thuế PIT khi nhận lương thưởng trong cùng 1 tháng ? Cám ơn

Trả lời

1. Về nguyên tắc, việc khấu trừ thuế TNCN được thực hiện ở thời điểm trả thu nhập. Vì vậy, những tháng mà cá nhân phát sinh thu nhập cao thì công ty có trách nhiệm khấu trừ đủ thuế TNCN. Nếu không, khi thanh tra, công ty có rủi ro phải nộp bổ sung phần khấu trừ thiếu
2. Thực tế, việc khấu trừ thuế hàng tháng hàng quý sẽ được tính lại tại thời điểm cuối năm khi cá nhân quyết toán thuế TNCN hoặc được công ty quyết toán thay nếu được ủy quyền. Do vậy dù hàng tháng, quý công ty đã khấu trừ thuế của người lao động bao nhiêu thì khi tính quyết toán lại cuối năm, số thuế cuối cùng sau khi tính lại vẫn là một số thuế tương ứng với tổng thu nhập chịu thuế cả năm của người lao động và số thuế này sẽ được so sánh với số thuế đã được khấu trừ trong năm để tính ra số thuế được hoàn lại hoặc khấu trừ nộp bổ sung.
3. Vê việc giảm số thuế khấu trừ trong tháng, thì trước tiên việc tính toán số thuế để trích hàng tháng cần dựa trên tổng thu nhập chịu thuế phát sinh trong tháng (bao gồm cả lương + thưởng + các khoản phụ cấp, lợi ích chịu thuế khác). Tuy nhiên, trong thực tế, tùy thuộc vào đặc thù của từng đơn vị công ty có thể cân nhắc để
– Áp dụng các khoản phụ cấp được miễn thuế TNCN như: trợ cấp điện thoại, trợ cấp trang phục, trợ cấp ăn ca,…

Tham khảo bản tin Gonnapass tại:

Thu nhập từ tiền lương, tiền công – P1/3 (Thuế TNCN)

– Thực hiện quyết toán thuế TNCN sớm hơn để hoàn trả thuế TNCN cho người lao động sớm hơn, đặc biệt với các cá nhân có ủy quyền quyết toán

– Tư vấn viên: Nguyễn Văn Tĩnh –

[collapse]

Thu nhập từ lãi trái phiếu, cổ phiếu đã khấu trừ pit tại nguồn, có tính là thu nhập thứ 2 khi quyết toán thuế TNCN không?
Cá nhân kinh doanh có phải quyết toán thuế TNCN hay không?

Trả lời

Theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản hướng dẫn thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công; cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập; cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế có nghĩa vụ quyết toán thuế TNCN với thu nhập từ tiền lương tiền công .Do vậy, lãi từ trái phiếu, cổ phiếu đã khấu trừ pit tại nguồn không thuộc đối tượng quyết toán thuế TNCN.
Với cá nhân kinh doanh, trường hợp cá nhân không có thu nhập từ tiền lương, tiền công trong năm thì không cần làm thủ tục quyết toán thuế TNCN.

– Tư vấn viên: Nguyễn Văn Tĩnh –

[collapse]

Nếu NLĐ nước ngoài không kê khai thu nhập ở nước ngoài thì CQ thuế có cách nào kiểm tra được không ạ?

Trả lời

Thực tế, toàn cầu hóa là xu thế của hiện tại trên mọi lĩnh vực trong đó bao gồm cả lĩnh vực về thuế. Vừa qua, Việt Nam cũng đã ký kết và gia nhập Hiệp định đa phương thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định thuế về ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (Hiệp định thuế đa phương). Như vậy có thể thấy các cơ quan thuế các nước có thể chia sẻ thông tin về thu nhập của người lao động từ đó phát hiện được các hành vi trốn thuế.

– Tư vấn viên: Nguyễn Văn Tĩnh –

[collapse]

Công ty mua quà tết cho nhân viên, thì có cho vào tính PIT không?
Em muốn hỏi bốc thăm trúng thưởng trúng quà có đc tính không ạ?

Trả lời

Cần xác định khoản quà tết có gắn với kết quả của quá trình lao động của nhân viên trong năm không ?
a/ Nếu có thì xác định đó là thu nhập từ tiền lương, tiền công -> cộng vào thu nhập từ tiền lương tiền công -> tính PIT 10% hoặc theo biểu lũy tiến từng phần ( tùy trường hợp)
b/ Nếu không thì chỉ tính thuế TNCN khi giá trị vượt trên 10 triệu đồng và quà tặng phải đăng ký quyền sở hữu (chứng khoán, BĐS …) -> tính thuế 10% và kê khai từng lần

Tham khảo tại:

Chính sách thuế TNCN – Quà tặng cho nhân viên

– Tư vấn viên: Phạm Thị Toán, Lê Phương Trâm –

[collapse]

Công ty ký hợp đồng với bệnh viện, khám sức khỏe định kỳ cho toàn thể nhân viên theo HĐLĐ đã ký kết. Hóa đơn đỏ ghi tên Công ty. Vậy, chi phí này không bị tính vào Thu nhập tính thuế phải không?

Trả lời

Chi phí khám sức khỏe lao động được quy định trong hợp đồng lao động/ quy chế của công ty + có hóa đơn mang tên cty thì không bị tính vào TNCT do đây là quy định bắt buộc của luật lao động.

Chi phí khám sức khỏe cho người lao động

– Tư vấn viên: Phạm Thị Toán –

[collapse]

Cho em xin bản mức hợp lý tối đa tiền phụ cấp điện thoại, xăng xe,… được tính vào chi phí doanh nghiệp, xin cám ơn!

Trả lời

Không có quy định cụ thể trong văn bản về mức tối đa của các khoản phụ cấp xăng xe điện thoại, tuy nhiên DN nên quy định mức phụ cấp phù hợp với thực tế, không được quá cao vì chi không đúng thực tế, không liên quan đến SXKD

Ngoài ra, công ty có thể tham khảo mức chi của Nhà nước tại thông tư 41/2017/TT-BTC, quyết định 1099/QĐ-BTC…

– Tư vấn viên: Phạm Thị Toán –

[collapse]

Công ty em có chuyên gia nước ngoài qua sửa máy , bên em có hợp đồng dịch vụ với họ, em nghe nói phải thông báo với cơ quan thuế trước khi họ đến? vậy thì theo mẫu biểu nào, em kiếm k ra? và trước bao nhiêu ngày ạ?

Trả lời

Cá nhân người nước ngoài là chuyên gia được nhà thầu nước ngoài cử sang Việt Nam lắp đặt, hướng dẫn chạy thử máy được xác định là cá nhân không cư trú, tiền lương tiền công do nhà thầu nước ngoài chi trả (Công ty Việt Nam không chịu bất cứ một chi phí nào) thì cá nhân phải tự kê khai và nộp thuế TNCN, hoặc cá nhân có thể ủy quyền cho công ty VN kê khai và nộp thay thuế cho cá nhân với cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp tại VN với thuế suất 20% trên tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam (không phân biệt nơi chi trả thu nhập tại Việt Nam hay nước ngoài) theo mẫu 02/KK-TNCN. Mẫu công văn thông báo hiện không có mẫu biểu, doanh nghiệp có thể tự soạn và nộp về cơ quan thuế quản lý chậm nhất trước 7 ngày kể từ ngày cá nhân nước ngoài bắt đầu làm việc tại Việt Nam.

Lưu ý về thuế khi làm hợp đồng mua dịch vụ của nước ngoài

– Tư vấn viên: Lê Phương Trâm –

[collapse]

Bác TGĐ công ty em đồng thời là GĐ của 1 công ty khác ở Việt Nam. Bác có 2 nhà thuê ở HN và HCM đc trả tiền bởi 2 bên cty. Cho em hỏi TH này khi quyết toán mình so sánh 15% thì có đc tính cả 2 nhà ko ạ.

Trả lời

Căn cứ theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 11 Thông tư 92/2015/TTBTC, khoản tiền thu nhà do đơn vị sử dụng lao động trả thay không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế chưa bao gồm tiền nhà phát sinh tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.
Do đó, theo quan điểm của chúng tôi cần lựa chọn 1 trong các phương án sau
1. Phương án an toàn: Lựa chọn chi phí tiền nhà tại 01 đơn vị áp dụng giới hạn 15%, phần tiền nhà của đơn vị còn lại tính toàn bộ vào TNCT
2. Phương án giải trình : Áp dụng giới hạn 15% cho cả 2 đơn vị
3. Phương án rủi ro: Giải thích theo hướng bản chất, cá nhân sẽ duy trì nơi ở thường xuyên ở 1 nơi, nơi ở còn lại là nơi đi công tác nên không tính thuế TNCN

Tham khảo tại:

Tính thuế TNCN với tiền nhà

– Tư vấn viên: Bùi Thị Hường –

[collapse]

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Để biết thêm thông tin cụ thể, xin vui lòng liên hệ với các chuyên viên tư vấn.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Tầng 7, toà 3D Center, số 3 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook:  https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Website: https://gonnapass.com

Hotline: 0888 942 040

 

 

 

 

avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page