Giải đáp các tình huống thực tế về chi phí được trừ khi tính thuế TNDN

3141

Câu 1: Cho mình hỏi Hàng mất không rõ lý do có được ghi nhận vào chi phí hợp lý hay không?

Câu 2: Hàng khuyễn mãi giá vốn 10tr cty xuất demo cho khách dùng thử năm 2021 nhưng không xuất hóa đơn hàng mẫu, không đăng ký với sổ công thương thì xử lý như nào?

Trả lời

Câu 1:
Theo quy định tại điểm 2.1 Điều 6 thông tư 96/2015/TT-BTC, trường hợp hàng mất không rõ lý do không thuộc trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật. Như vậy, chi phí hàng mất không rõ lý do này sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Căn cứ pháp lý:
– Theo điểm 2.1 Điều 6 thông tư 96/2015/TT-BTC:
Trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, cụ thể như sau:

Doanh nghiệp phải tự xác định rõ tổng giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật.

Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Câu 2:
-Theo nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/05/2018 có quy định không phải thông báo các chương trình khuyến mại có tổng giá trị dưới 100tr đồng. Trường hợp công ty xuất hàng khuyến mãi cho khách dùng thử năm 2021 có giá trị 10tr đồng < 100tr không thuộc trường hợp phải thông báo hàng khuyến mại.
-Theo công văn 20044/CT-TTHT, trường hợp công ty có thực hiện chương trình khuyến mãi không thu tiền của khách hàng cần thực hiện lập hóa đơn GTGT.
-Trường hợp hết năm 2021 công ty không xuất hóa đơn hàng mẫu, công ty có thể loại chi phí quà tặng ra khỏi chi phí được trừ khi tính thuế TNDN để tránh rủi ro.

Phân biệt hàng khuyến mại và hàng hóa cho biếu tặng

Quy định về các trường hợp phải đăng ký hoặc thông báo hoạt động khuyến mại

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Mai –

[collapse]

F0 sẽ được hưởng BHXH theo qui định, tuy nhiên công ty không làm hưởng bhxh cho người lao động mà theo qui chế công ty cứ nghỉ do dịch: F0, F1, F2 sẽ được hưởng 70% lương. Vậy chi phí tiền lương này có bị giới hạn trong mức phúc lợi 1 tháng lương không?

Trả lời

Về nguyên tắc, chỉ khi người lao động bị ốm đau phải nghỉ việc mới được hưởng chế độ BHXH ốm đau. Vì vậy, công ty có thể ứng xử theo dạng người lao động là F0, F1, F2 phải cách ly tại nhà nhưng được hỗ trợ điều trị hưởng lương bằng 70% mức lương đã thỏa thuận. Đây vẫn là khoản tiền lương thuộc nhóm chi phúc lợi và giới hạn 01 tháng lương bình quân thực hiện trong năm
Tham khảo thêm:

Chế độ tiền lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Chi phí tiền lương Covid được trừ không?

 

– Tư vấn viên: Lê Phương Trâm –

[collapse]

Chi phí lương ngày phép năm ko dùng hết được công ty chi trả hàng năm và có quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của doanh nghiệp có được tính là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN hay không?

Trả lời

Theo Bộ Luật Lao động 2019 so với Điều 114 Bộ luật Lao động 2012, chỉ còn trường hợp thanh toán tiền lương ngày phép chưa nghỉ “do thôi việc, bị mất việc làm” và đã bỏ đi “các lý do khác”.
Tuy nhiên khoản 1 Điều 4 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định: “… khuyến khích những thỏa thuận đảm bảo cho người lao động có điều kiên thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động”
Theo quan điểm của Cục an toàn lao động Công văn 514/ATLĐ-CSBHLD thì việc này được khuyến khích.
Vì vậy theo quan điểm của Manabox thì trường hợp được quy định trong Quy chế công ty và có chứng từ chi hợp lý, hợp lệ thì vẫn được tính vào chi phí được trừ

Tham khảo tại:

Tiền lương với ngày nghỉ phép chưa sử dụng

 

– Tư vấn viên: Lê Phương Trâm –

[collapse]

Các khoản chi phí hỗ trợ covid có được đưa vào chi phí không ạ ?

Công ty có hỗ trợ chi phí phòng chống dịch cho Nhân viên bảo vệ (bằng tiền) của NCC dịch vụ bảo vệ theo hợp đồng dv bảo vệ và khấu trừ thuế TNCN theo quy định, Vậy chi phí này Công ty có được tính vào chi phí được trừ thuế TNDN và cần bổ sung chứng từ như thế nào ạ?

Cho em hỏi: Toàn bộ chi phí: mua sữa, bánh kẹo, mỳ tôm, dầu gội, sữa tắm, chậu rửa… phục vụ cho CNV ăn ở 3T tại công ty đều được ghi nhận là chi phí hợp lý khi quyết toán CIT đúng ko ạ?

Anh/ chị cho em hỏi cv 3510/CTHPH-TTHT hỏi về thời gian áp dụng của cv 4110/TCT-DNNCN về chi phí Covid đã có câu trả lời của TCT chưa ah?

Trả lời

– Khoản chi phí hỗ trợ covid đưa vào chi phí công ty. Tuy nhiên nếu chi hỗ trợ không qua các tổ chức, đơn vị đối tượng nhận khoản tài trợ, đồng thời không có đủ hồ sơ đi kèm sẽ không là chi phí được trừ. Chi tiết tham khảo bài viết:

Điều kiện để chi phí tài trợ, ủng hộ cho phòng chống covid 19 được trừ

– Doanh nghiệp cần chuẩn bị thêm bảng kê 01/ TNDN.
– Các chi phí phục vụ CNV ăn ở 3T tại công ty đều được ghi nhận là chi phí hợp lý tương tự như các khoản chi về lao động khi có đủ hồ sơ và mức chi phù hợp ( không quá 1 tháng lương bình quân thực hiện trong năm )

Chào bạn, hiện tại bên mình chưa có thông tin về công văn trả lời về thời gian áp dụng của công văn số 4110/TCT-DNNNCN, nếu có thông tin mới nhất, bên mình sẽ cập nhật thêm vào bản tin theo link bên dưới, mời bạn theo dõi.

Chính sách thuế với các khoản chi phí cách ly cho chuyên gia nước ngoài do Covid-19

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Thanh Huyền –

[collapse]

Cho em hỏi phí dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về y tế (đặt lịch khám với bệnh viện, tư vấn, phiên dịch trước và sau khám cho cá nhân) thì doanh nghiệp có được khấu trừ thuế GTGT dịch vụ này ko ạ?

Trả lời

Chào bạn, Với khoản chi phí dịch vụ tư vấn và hỗ trợ y tế dành riêng cho cá nhân, đây là khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động, nên nếu các dịch vụ này ghi trực tiếp tên cá nhân được hưởng ( không phải tập thể lao động) thì phần thuế GTGT không được khấu trừ), và chi phí này phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Về thuế TNDN, nếu có hóa đơn hợp pháp (hóa đơn có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt) và tổng số chi có tính chất phúc lợi không vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN
Bạn có thể tham khảo thêm 1 số khoản chi phí khác cho cá nhân, đặc biệt là cá nhân nước ngoài ở đây nhé:

Thuế TNCN và TNDN liên quan đến các khoản lợi ích của người nước ngoài

– Tư vấn viên: Đỗ Thị Thuý Hường –

[collapse]

Chỉ phí tiền lương người nước ngoài khi chưa xin được giấy phép lao động

Cho mình hỏi sếp mình là người nước ngoài, là giám đốc, cuối năm 20 về nước do dịch bệnh nguyên năm 21 ko sang VN được, sếp vẫn điều hành cv online nên vẫn phát sinh lương năm 21 ở VN. Về giấy tờ giấy phép lao động và thẻ tạm trú hết thời hạn vào t4/21, nhà thuê cho sếp ở cty vẫn duy trì vẫn ký hợp đồng thuê. Vậy trường hợp sếp mình có dc tính là cá nhân cư trú hay ko. phần chi phí lương từ tháng 5/21 có dc tính là chi phí hợp lý tính thuế TNDN hay ko ạ vì giấy phép lao động hết hạn t4/21. sếp thuộc diện phải xin giấy phép lao động. cảm ơn bạn.

Trả lời

1. Về tình trạng cư trú
Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về cá nhân cư trú:
– Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:
+ Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng được xác định là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi.
+ Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan,… không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.
Do vậy , năm 2021 tuy GD đã về nhật và điều hành online, nhận lương và vẫn duy trì hợp đồng thuê nhà thì GD được coi là cá nhân cư trú nếu thời hạn hợp đồng thuê nhà từ 183 ngày trở lên trong năm 2021
2. Về chi phí lương từ tháng 5/2021, sẽ ko tính vào chi phí được trừ do GD thuộc diện phải xin giấy phép nhưng chưa xin được .
Hương dấn tại công văn 357/TCT-CS của TCT

Chi phí lương của người nước ngoài được trừ

– Tư vấn viên: Phạm Thị Toán –

[collapse]

Cho em hỏi cty có mua bảo hiểm nhân thọ cho cá nhân trong vòng 39 năm, mỗi năm đóng 283tr/ 1 cá nhân. Thì e hạch toán ntn, phí này có đc cjo vào cp đc trừ khi tính thuế TNDN k ah? Và cá nhân phải đóng thuế TNCN k ah. hay cho vào 242, sau đó phân bổ theo tháng dưới 3tr/ tháng thì khấu trừ CIT.

Trả lời

Chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên được tính là chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Được ghi cụ thể điều kiện và mức hưởng trong một trong các văn bản sau: Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, Quy chế Thưởng, Quy chế chi tiêu nội bộ…
– Các khoản chi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định.
– Có danh sách lao động được hưởng và xác nhận của người lao động.
– Doanh nghiệp phải tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm bắt buộc cho người lao động: BHXH, BHYT, BHTN
– Chi mua bảo hiểm nhân thọ cho nlđ không được vượt mức quá 3tr/tháng/ người
=> Chi phí mua bảo hiểm nhân thọ chỉ được trừ tối đa 3*12 = 36 triệu/ người, phần vượt mức trên 283 – 36 = 247 tr không được tính vào chi phí được trừ .

2. Bảo hiểm nhân thọ thì có phải đóng thuế TNCN không ?
Nếu cty mua bảo hiểm nhân thọ có tính tích lũy thì thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo quy định tại thông tư 92/2015/TT-BTC
Về mức tính vào chi phí, bạn nên thực hiện phân bổ theo kỳ hạn của khoản bảo hiểm

Thời điểm tính thuế TNCN từ các khoản lợi ích

– Tư vấn viên: Phạm Thị Toán –

[collapse]

Khoản thứ nhất, Cty có chi hỗ trợ phụ nữ sau sinh một khoản 50,000/tháng, cho đến khi con 7 tuổi. Khoản thứ 2, lao động nữ nuôi con < 12 tháng, theo Luật ld thì đc nghỉ hưởng lương 1h. Hai khoản chi phí trên, có đc miễn giảm thuế TNDN hay không?

Trả lời

Chào bạn,
– Đối với khoản chi hỗ trợ phụ nữ sau sinh là chi phí được trừ theo quy định tại khoản 2.9, điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC.
– Đối với khoản chi phí nghỉ hưởng lương trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc phù hợp theo quy định tại khoản 4 điều 137 Bộ luật lao động năm 2019 thì sẽ được trừ chi phí khi xác định thuế TNDN.

Khoản 2.9 điều 6, Thông tư 78/2014/TT-BTC

– Tư vấn viên: Trần Thị Thanh Thảo –

[collapse]

Chi phí trả thuế tncn thay cho nhân viên được công ty mẹ cử qua công tác tại Việt Nam có được là chi phí hợp lý không ạ? Công ty con ký hợp đồng nhân sự với công ty mẹ, không chi trả lương cho người này, chỉ trả các chi phí liên quan phát sinh tại VN. Cá nhân này là cá nhân cư trú ạ. Em cảm ơn.

Trả lời

– Được tính là chi phí được trừ . Tuy nhiên điều khoản trả thuế thay cho NLĐ cần được nêu rõ trong Hợp đồng lao động.

Tham khảo thêm tại:

Thuế TNCN do công ty nộp thay đối với thu nhập toàn cầu có được trừ không?

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Thanh Huyền –

[collapse]

E có rà soát lại sổ và tờ khai GTGT và thấy có sự chênh lệch giữa tờ khai thuế GTGT quý 4/2020 chỉ tiêu 43 – thuế GTGT còn được khấu trừ và số dư sổ 133 . lệch nhau trên tờ khai quý 4/20 và sổ dư còn dc khấu trừ tk 133 do khi kk quên ko điền chỉ tiêu 25 – số thuế GTGT đc khấu trừ kỳ đó số tiền trên mà để = 0. Hiện tại em ko muốn kê khai bổ sung lại tờ khai quý 4/20 và cũng ko muốn nộp lại BCTC 2020 thì liệu năm 2021 e có thể làm bút toán kế toán điều chỉnh giảm số thuế GTGT lệch này trên sổ sách 133 để cho số dư nó khớp giữa sổ 133 và tờ khai dư điện tại dc ko ạ?

Trả lời

Tờ khai quý 4/2020, bạn kê khai sai chỉ tiêu 25 -> có ảnh hưởng đến số thuế thuế được khấu trừ/ phải nộp.
Cần điều chỉnh tờ khai thuế bằng cách điều chỉnh :
1. Điều chỉnh trên tờ khai của kỳ bị sai ( Quý 4/2020):
Điều chỉnh thuế GTGT đầu vào chỉ tiêu 25 về số đúng + kèm KHBS
2. Trên tờ khai của kỳ phát hiện ( ví dụ bạn phat hiện tại kỳ này quý 1/2022)
Nếu chỉ tiêu [43]>0: kê khai chênh lệch tăng vào chỉ tiêu [38] của TK Q1/2022
Nếu chỉ tiêu [43]<0: kê khai chênh lệch giảm vào chỉ tiêu [37] của TK Q1/2022

– Tư vấn viên: Phạm Thị Toán –

[collapse]

Thầy cô ơi! 1. Lãi hoặc lỗ do đánh giá lại tỷ giá các khoản tiền có gốc ngoại tệ cuối kỳ, các khoản phải thu phải trả thì có được tính là chi phí hợp lý/ ghi nhận doanh thu khi quyết toán thuế TNDN không ạ? 2. Bên em có xuất khẩu đá (mặt hàng này có tỷ trọng tài nguyên khoáng sản trên 51%), vậy chi phí đầu vào em được ghi nhận vào giá vốn phải không ạ? Khi xuất khẩu em dùng commercial invoice thì thuế suất trên commercial invoice để 0% hay không chịu thuế mới đúng ạ?

Trả lời

1) Chia thành 2 trường hợp sau
– Lãi/lỗ liên quan đến đánh giá lại số dư cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ: Không tính vào thu nhập/chi phí được trừ trong năm
– Lãi/lỗ liên quan đến đánh giá lại số dư cuối năm là các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ: Tính vào thu nhập/chi phí được trừ trong năm

2) Manabox đang hiểu tình huống này bạn muốn hỏi về ghi nhận thuế GTGT đầu vào. Theo đó, do hoạt động xuất khẩu đá có tỷ trọng tài nguyên trên 51% thuộc trường hợp không chịu thuế GTGT, thuế GTGT đầu vào được ghi nhận vào giá trị mua hàng (Cộng vào giá vốn) phù hợp theo nguyên tắc kế toán

3) Trường hợp, công ty xuất khẩu đá chưa chế biến thành sản phẩm khác, tỷ trọng tài nguyên khoáng sản trên 51% thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Bạn tham khảo thêm TT 25/2018/TT-BTC và TT 219/2013/TT-BTC

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Thanh –

[collapse]

Công ty mình trả lương net ( trả luôn phần bảo hiểm xã hội bắt buộc người lao động & thuế TNCN cho người lao động). Vậy phần bảo hiểm bắt buộc trả thay cho người lao động đó có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN hay không

Trả lời

Chào bạn, bạn tham khảo thông tin liên quan đến trường hợp này của bên mình tại đây nhé:

Bảo hiểm bắt buộc đóng thay người lao động

– Tư vấn viên: Đỗ Thị Thuý Hường –

[collapse]

Công ty mình có TSCĐ là dây chuyền sx mặt hàng Phở bao gồm Nhà xưởng và MMTB, tuy nhiên do tình hình kd ko ổn định nên Cty ngưng sx mặt hàng này và đã tự loại chi phí khấu hao (2019+2020)Và 2021 do tình hình covid nên Cty tận dụng khu nhà xưởng này làm khu cách/ 3 tại chổ cho nhân viên hoặc nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo…) theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTCVậy cho mình hỏi: mình có thể tách phần nhà xưởng này để trích khấu hao và tính vào chi phí được trừ ko ạ? (kiểu như chuyển đổi mục đích, công năng của TSCĐ)

Trả lời

Diễn giả trả lời
( Quan điểm của MNB trong trường hợp này: thì xét trên nguyên tắc chung với các khoản CP được trừ phải thỏa mãn 2 điều kiện:
+ Về mặt hình thức: có đủ chứng từ hợp lệ
+ Về mặt nội dung: phục vụ hoạt động sản xuất kinh doạnh
Trong trường hợp này, điều kiện về mặt hình thức sẽ khó đảm bảo về cơ sở, căn cứ để tách phần chi phí phù hợp cho mục đích 3 tại chỗ. Do vậy trường hợp công ty cân nhắc gửi công văn trực tiếp đến cơ quan thuế quản lý để có hướng dẫn cụ thể về thủ tục)

Chi phí thuê đất trống không được trừ

– Tư vấn viên: Nguyễn Văn Tĩnh –

[collapse]

Trong năm 2021 công ty tôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên không có khách hàng, dẫn đến không có đơn hàng để làm nhiều, mà lương của công nhân sản xuất thì vẫn phải trả đủ hàng tháng, dẫn đến giá thành của SP cao hơn giá bán. Tôi cần xử lý như thế nào ? Xin cảm ơn.

Trả lời

Chào bạn, chi phí giá vốn hàng bán có thể bị loại một phần do chi phí lương của NLĐ trong thời gian không có đơn hàng là chi phí không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Về thực tế, chưa có hướng dẫn cụ thể cho trường hợp này, nên để giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp nên lựa chọn loại một phần giá vốn tương ứng thời gian NLĐ không thực hiện làm đơn hàng.
Tham khảo:

Bán hàng thấp hơn giá vốn

– Tư vấn viên: Trần Thị Thanh Thảo –

[collapse]

Cty có trả thay phần bảo hiểm (theo luật là của người lao động) đối vối người nước ngoài thì phần chi phí này có dc là chi phí dc trừ k ạ?

Trả lời

Chào bạn, bạn tham khảo thông tin liên quan đến trường hợp này của bên mình tại đây nhé:

Bảo hiểm bắt buộc đóng thay người lao động

– Tư vấn viên: Đỗ Thị Thuý Hường –

[collapse]

Nếu cty vay ngân hàng với mức vay là 5 tỷ , lãi suất giả sử là 7% a. Sau đó lại cho cán bộ công nhân vay không lấy lãi vậy thì ở tình huống này bên e bị loại những khoản chi phí gì vậy ạ.

Trả lời

Chào bạn, Trường hợp công ty vay ngân hàng với mục đích cho NLĐ vay lại nhằm chương trình phúc lợi của công ty thì chi phí này có khả năng bị coi là chi phí không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khuyến nghị: Công ty có thể sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi để chi trả chi phí lãi vay này hoặc cụ thể hóa mục đích khi vay ngân hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể. Khi đó, CP khoản vay sẽ là CP được trừ. Công ty sử dụng nguồn vốn chưa sử dụng đến để cho NLĐ vay không lãi suất thì có khả năng sẽ bị ấn định thêm lãi suất theo thị trường để truy thu thu nhập khác.

– Tư vấn viên: Trần Thị Hương Lan –

[collapse]

Tháng 6 công ty làm thủ tục tạm ngừng hoạt động. Vậy khấu hao, phân bổ chi phí các tháng còn lại có được tính vào chi phí được trừ không ạ

Trả lời

Chào bạn, chi phí khấu hao TSCĐ trong thời gian tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh có thể được coi là chi phí không được trừ do được phân loại vào khoản 2.2 điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC.
“2.2. Chi khấu hao tài sản cố định thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.”

Trừ trường hợp tạm dừng thuộc quy định tại Khoản 2.2 điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC.

– Tư vấn viên: Trần Thị Thanh Thảo –

[collapse]

Về vấn đề người lao động bị corana hưởng BHXH thì công ty em với hình thức làm việc online tại nhà, người lao động bị dương tính đã khai báo với phường và được phê duyệt hưởng trợ cấp ốm đau. Trong những ngày cách ly tại nhà thì người lao động vẫn tham gia công việc, qua đó công ty quyết định trợ cấp 1 lần đối với người lao động. Theo đó, thì làm thế nào để ghi vào chi phí được trừ của công ty chặt chẽ hơn ạ?

Trả lời

Chào bạn, theo quy định về Luật BHXH, chế độ ốm đau là để bù đắp thiệt hại cho NLĐ khi không có thu nhập do nghỉ việc ốm đau. Vì vậy, nếu NLĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ốm đau, công ty chuẩn bị hồ sơ chứng minh NLĐ này không làm việc trong thời gian trên. CP lương trong thời gian NLĐ làm việc, Qúy Công ty căn cứ chính sách công ty để thực hiện cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành

F0 cần làm gì để được hưởng chế độ bảo hiểm?

– Tư vấn viên: Lưu Đỗ Khánh Linh –

[collapse]

Chị cho em hỏi với : phân bổ và khấu hao năm 2019, 2020 bị sai, năm 2021 e sẽ phân bổ theo giá trị nào ạ?

Trả lời

Chào bạn, năm 2021 vẫn phải thực hiện phân bổ theo giá trị đúng của TSCĐ.
Phần giá trị sai của các năm trước nếu không trọng yếu, doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh phi hồi tố vào sổ sách kế toán và báo cáo tài chính năm hiện tại.
Nếu sai sót trọng yếu, doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh hồi tố: : Điều chỉnh các chỉ tiêu liên quan trên số dư đầu kỳ của bảng cân đối kế toán và cột chỉ tiêu “ năm trước” trên báo cáo kết quả kinh doanh năm nay và giải trình các khoản mục điều chỉnh hồi tố.

– Tư vấn viên: Vũ Ngọc Mai –

[collapse]

Anh/Chị cho em hỏi về CP dự phòng Tiền Lương không quá 17% trong luật thuế TNDN quy định. Trong chế độ KT, CMKT không có hướng dẫn về khoản trích lập dự phòng này. Em muốn hỏi trong kỳ tính thuế DN có trích lập khoản DP này thì Giữa KT và Thuế sẽ theo dõi khoản trích lập DP này như thế nào ạ. Em cảm ơn Anh/Chị.

1. Chi phí lương tháng 14 chi trả vào sau 31/3 xử lý bằng cacha tríchlapaj quỹ dự phòng tiền lương coa hợp lý k

Quy định về trích lập dự phòng chi phí tiền lương có được xem là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN

Trả lời

Manabox xin gửi lại bạn một số ý kiến tư vân như sau:
1. Về mặt hạch toán kế toán: hiện tại chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về việc hạch toán với khoản chi phí dự phòng tiền lương. Tuy nhiên, theo quan điểm của Manabox, xét theo bảo chất đây là một khoản dự phòng thì khoản dự phòng này có được phản ánh trên tài khoản 3524 – Dự phòng phải trả khác, căn cư theo điều 62 TT200 và điều 47 TT 133, cụ thể:
* Khi trích lập cuối năm: Nợ TK 642/Có TK 3524
* Khi phát sinh phải trả: Nợ TK 3524/ Có TK 334
* Năm sau chưa sử dụng hết : Nợ TK 3524/ Có TK 642
( tham khảo thêm công văn 368/CT-TTHT của cục thuế Long An)
2. Về mặt thuế: chi phí dự phòng tiền lương được quy định cụ thể về điều kiện, cơ sở và mức trích cho mục đích tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN tại mục c, điểm 2.6, khoản 2, điều 4, TT96/2015/TT-BTC

– Tư vấn viên: Nguyễn Văn Tĩnh –

[collapse]

Diễn giả cho e hỏi là nếu e đang trích khấu hao theo phương pháp đường thằng, năm 2021 e có lãi cao vì vậy e muốn trích khấu hao nhanh ( đảm bảo điều kiện không vượt quá 2 lần mức khấu hao đường thằng, và vẫn đảm bảo khi trích khấu hao nhanh là có lãi TNCT >0) => Vậy e có phải nộp thông báo đến cơ quan thuế hay không ạ.

Trả lời

Có. Bạn gửi thông báo đăng ký phương pháp khấu hao TSCĐ cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Doanh nghiệp lưu ý:
-Trong các năm thực hiện khấu hao nhanh, có năm doanh nghiệp phát sinh lỗ thì doanh nghiệp không được trích khấu hao nhanh đối với năm phát sinh lỗ đó mà thực hiện trích khấu hao theo đường thẳng theo khung thời gian trích khấu hao các loại tài sản cố định nếu tại phụ lục 1 (ban hành kèm theo Thông tư 45/2013/TT-BTC). Các năm tiếp theo nếu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả và đảm bảo kinh doanh có lãi theo quy định tại tiết a, khoản 2, điều 13, Thông tư 45/2013/TT-BTC thì doanh nghiệp tiếp tục thực hiện trích khấu hao nhanh theo quy định.”
– Mỗi tài sản cố định chỉ được phép thay đổi một lần phương pháp trích khấu hao trong quá trình sử dụng và phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp
– Doanh nghiệp chỉ được thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ một lần đối với một tài sản

Tham khảo:

Doanh nghiệp có được phép thay đổi thời gian khấu hao TSCĐ hay không?

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Minh Phượng –

[collapse]

Cho bên m hỏi nếu trường hợp công ty không có doanh thu. Vậy chi phí khấu hao có bị loại khi quyết toán thuế không?

Trả lời

Trường hợp công ty không có doanh thu, chi phí khấu hao vẫn được trừ, trừ một số trường hợp được quy định trong khoản 2.2 điều 4 thông tư 96/2015, hướng dẫn thuế TNDN

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Minh Phượng –

[collapse]

Anh/Chị cho em hỏi công ty em đang sử dụng phương pháp khấu hao nhanh, giờ muốn khấu hao đường thẳng năm 2021 thì có phải nộp hồ sơ gì cho cơ quan thuế không ạ? hay tự động chuyển sang đường thẳng ạ?

Trả lời

Trường hợp Công ty muốn thay đổi phương pháp trích khấu hao cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước khi thay đổi phương pháp trích khấu hao.
– Giải trình rõ sự thay đổi cách thức sử dụng TSCĐ để đem lại lợi ích kinh tế cho Công ty.
– Mỗi TSCĐ chỉ được thay đổi phương pháp trích khấu hao một lần trong suốt quá trình sử dụng.
Căn cứ tại Phụ lục 2 Thông tư 45/2013/TT-BTC
“Phương pháp trích khấu hao áp dụng cho từng TSCĐ mà doanh nghiệp đã lựa chọn và thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý phải được thực hiện nhất quán trong suốt quá trình sử dụng TSCĐ. Trường hợp đặc biệt cần thay đổi phương pháp trích khấu hao, doanh nghiệp phải giải trình rõ sự thay đổi về cách thức sử dụng TSCĐ để đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Mỗi tài sản cố định chỉ được phép thay đổi một lần phương pháp trích khấu hao trong quá trình sử dụng và phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp”.
Căn cứ tiết d, điểm 2.2, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính về thuế TNDN, quy định:
“Doanh nghiệp thực hiện thông báo phương pháp trích khấu hao TSCĐ mà doanh nghiệp lựa chọn áp dụng với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi thực hiện trích khấu hao (ví dụ: thông báo lựa chọn thực hiện phương pháp khấu hao đường thẳng…). Hàng năm doanh nghiệp trích khấu hao TSCĐ theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ kể cả trường hợp khấu hao nhanh (nếu đáp ứng điều kiện)”.

Tham khảo:

Doanh nghiệp có được phép thay đổi thời gian khấu hao TSCĐ hay không?

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Thanh –

[collapse]

Trường hợp trong năm doanh nghiệp bị lỗ nhưng vẫn chi lương tháng 13 cho người lao động. Vậy khoản chi này có được tính vào chi phí hợp lý không? ( Cty ko có quỹ phúc lợi)

Trả lời

Chào bạn, chi phí lương tháng 13 phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và có đầy đủ chứng từ, được quy định ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.” thì vẫn được tính là CP được trừ không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp là lỗ hay lãi.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp bị lỗ nhiều năm, tỷ suất lợi nhuận HĐ kinh doanh không tốt có khả năng sẽ bị coi là doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và có khả năng sẽ ấn đinh thuế khi thanh tra, quyết toán.

– Tư vấn viên: Trần Thị Hương Lan –

[collapse]

Chị Loan với VA ơi cho em hỏi 🙂 Đối với các khoản chi phí quản lý, hỗ trợ kỹ thuật của công ty mẹ cho công ty con, trong thời gian dịch bệnh này không có các chuyên gia NN sang support, tất cả hoạt động chỉ thực hiện qua video conference, email,… vậy bộ hồ sơ để chứng minh các chi phí này thực phát sinh nên chuẩn bị như thế nào để là strong support ạ? Hiện tại mức phí khi support online và offline ko chênh lệch nhau nhiều thì rủi ro nhiều không ạ.

Trả lời

Về nội dung này, để có cơ sở giải trình dịch vụ đã thực tế phát sinh và liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp thì bộ hồ sơ công ty có thể chuẩn bị theo quan điểm của Manabox như sau:
+ Hóa đơn thương mại với nội dung dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật năm tài chính
+ Hợp đồng thường mại
+ Biên bản nghiệm thu, email nghiệm thu
+ Email, video trao đổi, báo cáo,…
+ Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
(Căn cú theo Điều 6, Thông tư 96/2015 / TT-BTC)

– Tư vấn viên: Nguyễn Văn Tĩnh –

[collapse]

Cho em hỏi mức lãi suất cơ bản do NNNN công bố hình như vẫn từ năm 2013 là 9% phải ko ạ

Trả lời

Chào bạn, đến thời điểm hiện tại, lãi suất cơ bản do NHNN công bố là 9%/năm theo QĐ 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010

– Tư vấn viên: Phạm Thị Toán –

[collapse]

Vay từ cty mẹ ở nước ngoài với lãi suất thấp hơn lãi cho vay của ngân hàng tại việt nam có rủi ro gì ko đối với bên cho vay

Trả lời

Chào anh chị!
Về câu hỏi này thì, trường hợp vay của công ty mẹ với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng nói riêng hay lãi suất thị trường nói chung thì có rủi ro bị ấn định thuế với người cho vạy. Tuy nhiên, việc xác đinh lãi suất phù hợp với thị trường sẽ phụ thuộc theo cách xác định của cơ quan thế nên tùy vào từng trường hợp cụ thể chứ không có quy chuẩn xem xét theo lãi suất ngân hàng. Ngoài ra, trong trường hợp bên đi vay và bên cho vay chịu cùng mức thuế suất và giữa các bên có hồ sơ hợp lệ thì có thể giải trình để xem xét không ấn định thuế, công ty có thể tham khảo công văn số 3677/TCT-CS ngày 29 tháng 8 năm 2014.
Để dễ hình dung hơn, anh chị có thể tham khảo với 1 trường hợp cụ thể về vay với lãi suất 0% tại bản tin Manabox tại:

Khoản vay không tính lãi hoặc lãi suất 0% bị ấn định thuế

Công ty mẹ tại nước ngoài cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay tại ngân hàng Việt Nam có rủi ro thấp hơn khi cho vay với lãi suất 0% hay cho vay không tính lãi.
Theo Điều 37, Luật quản lý thuế số 78/2006
“ Ấn định thuế đối với người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế
e) Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hoá, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường;”
=> Trường hợp công ty mẹ cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trưởng có rủi ro khi bị thanh tra, kiểm tra nếu không có đầy đủ hồ sơ chứng từ hợp lý có rủi ro bị ấn định doanh thu từ lãi vay và truy thu bổ sung thuế nhà thầu từ lãi vay.
Anh/chị có thể tham khảo thêm tại new sau:

Khoản vay không tính lãi hoặc lãi suất 0% bị ấn định thuế

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Mai –

[collapse]

Bên mình là DNCX, các hoá dơn đầu vào ghi toàn bộ giá trị tiền hàng và VAT vào chi phí, như vậy có đúng không? (VAT đầu ra 0%, không làm hoàn thuế VAT)

Ben minh moi ban hang vao noi dia, xuat hoa don ban hang cho to chuc ca nhan phi thue quan (ko VAT). Nhu vay la khong dung a ban? Phai xuat hoa don co thue VAT a?

Trả lời

Chào bạn, bạn tham khảo thông tin tại

Hóa đơn đầu vào có thuế GTGT của doanh nghiệp chế xuất

Đối với việc sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp chế xuất, bạn tham khảo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Theo đó, công ty bạn có thể xuất hóa đơn bán hàng.

– Tư vấn viên: Lê Phương Trâm –

[collapse]

Anh chị cho em hỏi ạ: Trích lập dự phòng trợ cấp thôi việc sẽ phải trích lập cho toàn bộ nhân viên có thời gian thử việc và nghỉ thai sản không đóng BHTN ạ? Chi phí trích lập trước này sẽ phải điều chỉnh tăng khi làm quyết toán CIT ạ?

Trả lời

Chào bạn.
Từ năm 2012 trở đi, khoản trích lập Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm (đối với doanh nghiệp đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp) không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 180/2012/TT-BTC hướng dẫn xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp quy định:
“Xử lý tài chính về chi trợ cấp mất việc làm và số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm tại doanh nghiệp.
1. Khi phát sinh chi trợ cấp mất việc làm doanh nghiệp được hạch toán khoản chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Thông tư này vào chi phí quản lý doanh nghiệp và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp.
Tham khảo công văn số 44523/CT-TTHT năm 2017, số 9856/CT-TTHT năm 2012

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Thanh –

[collapse]

Cô Loan ơi, cho em hỏi, là cái hồ sơ chứng mình dự phòng tồn kho ý ạ: giờ em làm một cái báo giá cá nhân đang mua với mức giá bằng với giá đơn vị sau khi trừ đi dự phòng để làm bằng chứng chứng minh cho trích lập dự phòng thế có được không ạ? e cảm ơn ạ.

Trả lời

Chào bạn, tại thời điểm lập báo cáo tài chính, công ty đánh giá xem có cần thực hiện trích lập dự phòng hàng tồn kho qua xác định giá trị thuần có thể thực hiện được của công ty dựa trên giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm trừ (-) chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc tiêu thụ chúng. Do vậy, hồ sơ để chứng minh cho khoản trích lập dự phòng này có thể như sau:
– Giá bán ước tính trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính như báo giá của KH tiềm năng hoặc người nộp thuế tự lập dựa trên thị trường
– Kế hoạch sửa chữa hoặc chi phí bán hàng để tiêu thụ sản phẩm
– Bảng phân tích tuổi nợ của hàng tồn kho
– Quyết định trích lập dự phòng
– Biên bản đánh giá giá trị của HTK

Bạn tham khảo thêm tại:

Dự phòng giảm giá hàng tồn kho được trừ không?

– Tư vấn viên: Nguyễn Thị Thanh Huyền –

[collapse]

Bài viết tham khảo:

Giải đáp các tình huống thực tế về chuyển giá, giao dịch liên kết khi tính thuế TNDN

Giải đáp các tình huống thực tế về cơ sở thường trú, kỳ tính thuế khi tính thuế TNDN

Giải đáp các tình huống thực tế về doanh thu tính thuế khi tính thuế TNDN

Bản tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ý kiến tư vấn cụ thể cho bất kì trường hợp nào.

Để biết thêm thông tin cụ thể, xin vui lòng liên hệ với các chuyên viên tư vấn.

Đăng kí để nhận bản tin từ Gonnapass


Mọi thông tin xin liên hệ:

Công ty TNHH Gonnapass

Tầng 7, toà 3D Center, số 3 Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Email: hotro@gonnapass.com

Facebook:  https://www.facebook.com/gonnapassbeyondyourself/

Website: https://gonnapass.com

Hotline: 0888 942 040

avatar
admin

Nếu bạn thích bài viết, hãy thả tim và đăng ký nhận bản tin của chúng tôi

Ý kiến bình luận

You cannot copy content of this page